“Bội thực” khuyến mại... lừa

ANTĐ - Những thông tin quảng cáo khuyến mại như “Big sale”, giảm giá trực tiếp trên giá bán sản phẩm lên tới 50%, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng với giải thưởng giá trị như xe máy, ôtô… đã khiến người tiêu dùng bị mê hoặc. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc đưa ra các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế, sự thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp hay cả sự chụp giật, chỉ nhìn lợi trước mắt mà không muốn san sẻ khó khăn với người tiêu dùng… đã làm người tiêu dùng hụt hẫng, nghi ngờ, và… mất niềm tin vào các chương trình khuyến mại.


Khuyến mại… quanh năm

Khuyến mại nhiều nhất, sôi động nhất có hiện nay phải kể đến mặt hàng điện máy. Thông thường các chương trình khuyến mại thường diễn ra theo từng thời điểm, sự kiện. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011 này thì khuyến mại đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các siêu thị điện máy, với bất kỳ thời điểm, sự kiện nào như khuyến mại Tết, khuyến mại mùa hè, Giáng sinh, năm học mới, World Cup, sinh nhật siêu thị… Tại thời điểm này đang là mùa giảm giá cuối năm. Chúng tôi đã thử dạo một vòng để thấy được sự sôi động của các chương trình khuyến mại hàng điện máy như thế nào. Mới thấy, hóa ra các chương trình khuyến mại đều na ná nhau, và giá đưa ra sau khi giảm cũng sàn sàn nhau. Các hình thức khuyến mại tặng quà cũng tương tự nhau: tặng kèm một két bia Heniken hoặc một bộ chén bát sứ. “Các siêu thị luôn đưa ra những chương trình khuyến mại khác nhau để thu hút khách nhưng thực ra những người quan tâm và hiểu biết về mặt hàng điện máy đều nhận thấy họ khuyến mại quanh năm suốt tháng, chương trình đưa ra quảng cáo rầm rộ nhưng thực chất chẳng có gì mới” - một khách hàng ngán ngẩm.

Lắm chiêu, nhiều trò

Nâng giá của sản phẩm lên cao chót vót, rồi áp dụng chương trình khuyến mại là một trong những chiêu phổ biến nhất của các siêu thị điện máy. Giá cả các mặt hàng điện tử, điện máy không phổ biến như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác nên không ít khách hàng đã mua món đồ với giá cao mà vẫn tưởng rằng mình được giảm tới gần nửa giá thành. Những người thành thạo về giá cả thì “sốc” với cảm giác bị lừa. Một khách hàng bức xúc: “Chiếc ti vi LED UA40DS003 ở siêu thị đưa ra giá 13.900.000 đồng, giảm giá còn 11.900.000 đồng nhưng tôi đi khảo sát các cửa hàng điện máy khác thì chẳng cần giảm giá khuyến mại gì giá cũng ở mức 12 triệu là cùng. Hay chiếc LCD Sony model KLV32BX320 tại siêu thị này có giá 8.700.000 đồng, giảm còn 6.900.000 đồng nhưng ngoài các cửa hàng cũng chỉ bán với giá 6.700.000 đồng. Hay như hôm trước tôi mua một chiếc máy tính Toshiba với giá gần 13,5 triệu, cứ tưởng được giảm tới hơn 1 triệu đồng nhưng sau này mới biết ngoài thị trường giá sản phẩm này chỉ hơn 13 triệu đồng”.

Trong tháng khuyến mại mới diễn ra, có mặt ở một số Trung tâm điện máy có quảng cáo mức khuyến mại lên tới 50%, phóng viên tìm mỏi mắt cũng không thấy sản phẩm nào giảm tới mức giá này. Ra hỏi nhân viên thì được dẫn đến khu vực giảm giá 50% với sản phẩm là… một chiếc nồi cơm điện bé tí ti. Tại một siêu thị khác thì mặt hàng giảm giá là một chiếc tai nghe hàng Trung Quốc. Ngoài ra, các mặt hàng có mức giảm giá cao hầu hết là sản phẩm lỗi mốt hoặc thương hiệu không nghe thấy bao giờ.

Không chỉ vậy, nhiều siêu thị còn gây sốc với chương trình bốc thăm mua hàng giảm giá hay siêu giảm giá vào giờ vàng… Trong tháng khuyến mại tại Hà Nội, mỗi khung giờ vàng tại các siêu thị thường thu hút hàng trăm người chen lấn để mua sản phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên do thông tin mập mờ nên đến phút chót, khách hàng mới ngã ngửa rằng chỉ có một vài sản phẩm được mua với giá rẻ như quảng cáo và phải phụ thuộc vào việc bốc thăm trúng thưởng, trong khi trong các tờ rơi, quảng cáo lại không hề nói đến việc phải bốc thăm.

Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” cũng khiến nhiều khách hàng bực mình với các chương trình khuyến mại. Một siêu thị điện máy lớn ở Cầu Giấy tung ra chương trình Giờ vàng không hạn chế số lượng với rất nhiều mặt hàng giảm giá sốc. Hàng trăm khách hàng đã xếp hàng chờ đợi để được mua, nhưng khi nhận được sản phẩm thì hầu hết đều thất vọng, bực mình vì bị lừa. Một chiếc nồi áp suất “đẹp long lanh” được in trên tờ rơi với giá chỉ 189.000, nhưng sản phẩm doanh nghiệp bán ra lại là một chiếc nồi hoàn toàn khác, mỏng tang và xấu như hàng rẻ tiền ngoài chợ. Hôm đó, tất cả khách mua được hàng phải ra về với cảm giác bực tức, số đông còn lại khi thấy người trước mua được sản phẩm không ưng ý đành bỏ về giữa chừng mà tự nhủ: Cạch, không bao giờ đặt chân đến đây nữa. Một siêu thị điện máy khác cũng đưa ra chương trình khuyến mại tri ân khách hàng. Một khách hàng mua bộ nồi GOLDSUN inox 3 đáy bức xúc phản ánh với nhân viên quầy gia dụng về việc chiếc nồi trưng bày hoàn toàn khác thì nhận được câu trả lời: Hình ảnh chỉ có tính minh họa (?!)

Bên cạnh đó, còn rất nhiều cửa hàng làm ăn chộp giật, khuyến mại nhưng thực chất là một hình thức bán hàng cả gói nếu không muốn nói là lừa dối khách hàng. Nhiều cửa hàng quảng cáo khuyến mại đến mức “khủng” đánh vào lòng tham của một số khách hàng. Chẳng hạn như rao bán một chiếc bếp điện giá 24 triệu, khuyến mại một bộ nồi 18 triệu, lại thêm một máy lọc nước 7 triệu. Nếu gia đình bạn đã có nồi, đã có máy lọc nước thì có thể lựa chọn một dàn âm thanh giá 24 triệu đồng. Các nhân viên quảng cáo còn nhanh nhảu: “Đây là chương trình đặc biệt, chỉ dành cho 3 khách hàng trong ngày, nếu không đăng ký ngay trong ngày thì sẽ mất cơ hội”. Nhưng không phải khách hàng nào cũng biết rằng chiếc bếp điện đó chỉ là bếp Trung Quốc chất lượng kém, giá thành thấp chỉ vài triệu đồng. Tổng cả bếp, cả những đồ khuyến mại với giá được hét vống lên kia thì chủ hàng vẫn có lãi.

Đánh mất niềm tin

Theo các chuyên gia, sở dĩ năm nay các chương trình khuyến mại bùng nổ vì suốt năm qua sức mua hàng điện máy giảm mạnh nên lượng hàng tồn kho khá cao. Khảo sát tại các trung tâm điện máy thời điểm này, chúng tôi thấy dường như khách hàng đã kém mặn mà hơn với các chương trình khuyến mại. Một phần vì mặt hàng điện tử, điện lạnh có vòng quay chậm, lại đang trong thời kỳ bão hòa, nhưng một phần quan trọng nữa là người tiêu dùng hiện nay đã thận trọng hơn với các chương trình khuyến mại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội thừa nhận, hiện các chương trình khuyến mại ở Việt Nam đang có 4 vấn đề. Thứ nhất là doanh nghiệp nâng giá sản phẩm lên, rồi đưa ra chương trình giảm giá. Thứ hai, hàng hóa khuyến mại có khi gần hết hạn sử dụng hoặc hàng trưng bày mẫu cũng được đưa vào chương trình khuyến mại. Thứ ba, các chương trình khuyến mại mang tính chất may mắn có giá trị lớn như cơ hội trúng lớn ôtô, xe máy… nhưng thực chất thế nào thì rất khó có thể kiểm chứng vì đa số các đơn vị sau khi kết thúc chương trình đều không báo cáo về Sở Công Thương. Thứ tư, vào các ngày cao điểm của khuyến mại mặc dù tạo ra được sức hút rất lớn đối với người tiêu dùng nhưng nếu công tác tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự, không được thực hiện tốt sẽ gây tác động tiêu cực. Ông Phú cũng cho rằng Sở Công Thương phải làm rõ được mặt trái của khuyến mại, phải kiểm tra để vạch những doanh nghiệp làm ăn không có uy tín. Ví dụ doanh nghiệp phải đăng ký giá gốc với Sở Công Thương để cơ quan này có căn cứ so sánh với giá đã được khuyến mại. Hàng hóa phải minh bạch, giảm giá phải hợp lý chứ không thể tung hô khuyến mại đến 50%, khách hàng phải xem thực chất hàng hóa đó thế nào mà giá lại hạ như vậy.

Trong hoạt động kinh doanh, uy tín, niềm tin là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, với kiểu khuyến mại chụp giật, tranh đua như thế này, có vẻ chiêu bài của các trung tâm mua sắm đã phản tác dụng, dù sức mua tại thời điểm đó có tăng đi chăng nữa thì niềm tin của người tiêu dùng cũng bị hao hụt. Khuyến mại chính là xây dựng thương hiệu, và xúc tiến thương mại nhưng khuyến mại kiểu này hẳn là các doanh nghiệp đang đánh mất khách hàng.