Bối rối và cảm động những tình yêu ở tuổi "gần đất xa trời"

ANTĐ - "Bố yêu thì ảnh hưởng gì đến chúng mày?. Cả 3 đứa đều nói tôi làm thế là tự vứt bỏ danh dự của mình, đồng thời còn bôi xấu danh dự của chúng. Chuyện đâu mà nực cười đến thê? Tôi nghe không phục nên tôi mặc kệ"

Nói đến tuổi già, người đời nghĩ nhiều đến chuyện an dưỡng, quây quần bên con cháu của các cụ. Chẳng mấy người nghĩ đến chuyện tình cảm của người già. Những người bước vào tuổi xế chiều, nếu lỡ tìm thấy tình yêu của đời mình hay đơn giản chỉ là một người bạn tâm tình, có thể chia sẻ suy nghĩ về nhân tình thế thái thường không nhận được sự ủng hộ của con cái. Có người vì thế chọn cách từ bỏ, nhưng cũng có người bất chấp tất cả vì tình yêu của mình, bởi tình yêu thì đâu có phân biệt tuổi tác...

"Bố yêu thì ảnh hưởng gì đến chúng mày?"

Ông Hùng năm nay 62 tuổi. Cả tuần nay, ông đã cắt đứt liên lạc với 3 đứa con của mình vì các con gọi điện cho ông nhiều quá. Ông bực tức: "Chúng nó mới vài ba cái tuổi ranh. Vốn sống làm sao bằng tôi mà ngày nào cũng đòi gọi điện khuyên nhủ bố. Mà hơn hết, tôi chẳng làm việc gì sai để nghe các con khuyên nhủ cả", sự thể việc các con gọi điện liên tục cho ông, là do ông tuyên bố với các con rằng, ông đang yêu và nhất định ông sẽ lấy người ông đang yêu làm vợ.

Vợ ông Hùng đã mất hơn 20 năm nay. Từ đó trở đi, các con đều do một mình ông chăm sóc và dạy dỗ. Đến lúc chúng ra trường, cũng chính ông long đong, lận đận chạy vạy, nhờ vả khắp nơi để xin việc cho con. Giờ 3 con ông đều đã thành đạt, cuộc sống ổn định, gia đình đều hạnh phúc. "Bọn trẻ lo cho tôi không thiếu một thứ gì. Hàng tháng chuyển tiền đều đặn vào tài khoản cho tôi. Tuần nào cũng đưa vợ con về nhà tôi để nấu nướng, ăn uống. Bọn trẻ bảo tôi dọn về ở cùng chúng nhưng tôi không thích. Tự do vẫn hơn. Muốn làm gì thì làm. Xét về mặt hiếu, tôi cho rằng 3 con của tôi đều đã làm rất tốt. Duy có việc chúng cật lực phản đối chuyện yêu đương của tôi. Tôi hỏi: "Bố yêu thì ảnh hưởng gì đến chúng mày?. Cả 3 đứa đều nói tôi làm thế là tự vứt bỏ danh dự của mình, đồng thời còn bôi xấu danh dự của chúng. Chuyện đâu mà nực cười đến thê? Tôi nghe không phục nên tôi mặc kệ" - ông Hùng kể.

Người mà ông Hùng kiên quyết lấy làm vợ là bà Lan. Năm nay bà 50 tuổi. Bà li hôn với chồng từ lâu. Các con thì đều định cư ở nước ngoài. Thế nên, bà chỉ sống một mình, thi thoảng có họ hàng đến chơi. Bà Lan sống cách nhà ông Hùng một khu phố. Bà là người vui tính, lại ưa văn nghệ, thơ văn nên dịp họp câu lạc bộ người cao tuổi của phố nào, bà cũng tham gia một tiết mục văn nghệ. Ông Hùng tất nhiên không tham gia vào câu lạc bộ người cao tuổi của khu phố nhà bà, nên mãi sau này, ông mới gặp bà Lan trong hội thi giữa các câu lạc bộ với nhau và làm quen với bà, dù tính ra từ nhà ông đi bộ đến nhà bà chỉ mất khoảng 15 phút.

 

Ông Hùng trước cũng có vài ba bài thơ đăng báo nên về tâm hồn, cũng có thể nói là có phần nào đồng điệu với bà Lan. Bà Lan ngoài 50 nhưng vẫn tươi tắn, đẹp và ăn nói rất có duyên, nhất là bà hay cười. Ông Hùng kể chuyện, bà chăm chú nghe rồi cười thành thật khiến ông rất thích. Ông nói, lâu rồi không có ai chịu ngồi nghe ông kể chuyện lâu như bà, chưa kể đến việc bà còn tham gia bình luận và góp ý với ông rất thật tình về những vấn đề mà ông đang thắc mắc, chưa tìm được hướng giải quyết. Qua lại nói chuyện với nhau nhiều, ông Hùng đâm ra có cảm tình với bà. Ngày nào ông cũng phải qua gặp bà một lần để cho đỡ... nhớ. "Tôi yêu. Tôi biết chắc chắn là tôi đang yêu. Tôi vừa mừng vừa lo. Tôi hồi hộp mỗi lần đến gặp bà ấy. Hệt như khi tôi còn là chàng thanh niên mới lớn tập yêu lần đầu vậy" - ông Hùng tâm sự.

Những người đang yêu thường vô thức nhắc đến người mình yêu với tần số rất lớn mà không nhận ra điều đó. Tuy nhiên, con ông Hùng thì khác. Các con ông nghe bố kể mãi về chuyện bà Lan liền nghĩ ngay đến chuyện bố có tình cảm gì đó với bà. Cháu trai 7 tuổi con của cậu cả được cử về ở với ông 1 tháng để theo dõi tình hình và báo cáo lại mọi chuyện với bố. Thằng bé hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bởi mỗi khi ông Hùng sang nhà bà Lan, ông đều đưa cháu đi cùng và không hề có ý đề phòng. Chuyện ông sang nhà bà Lan, nói những chuyện gì với bà, tặng hoa, tặng thơ cho bà ra sao đều được đứa cháu nội tường thuật lại vào mỗi tối cho bố cháu nghe.

Khi đã khẳng định chuyện bố có tình cảm với bà Lan là thật, cậu cả đứng ra mở cuộc họp gia đình. Ông Hùng nghe con hỏi chuyện liền nhận luôn, không hề có ý chối hay phủ nhận. Phản ứng của các con ông, như đã nói ở trên, tất cả đều cực lực phản đối. Điều đó có chút khiến ông không vui nhưng ông mặc kệ. "Tại sao chúng nó lại cấm tôi yêu? 20 năm tôi sống một mình, một lòng lo cho các con, giờ chúng nó có gia đình, hạnh phúc vui vẻ lại không nghĩ đến bố lủi thủi một mình" - ông Hùng bức xúc nói.

Các con ông thậm chí đã bí mật đi gặp bà Lan để nói chuyện. Cậu cả còn liên lạc với con của bà Lan đã định cư ở Mỹ để các con hai bên cùng bàn cách tách bố mẹ ra nhưng con bà Lan thì lại vui vẻ, ủng hộ mẹ và nói: "Ai cũng có cuộc sống riêng của mình. Anh nên mừng vì mẹ tôi và bố anh có tình cảm với nhau. Tôi thấy hai ông bà hạnh phúc. Cả hai đều đã già. Chẳng phải chừng ấy là đã quá đủ với họ hay sao?". Ông Hùng cũng thể hiện thái độ của mình đối với các con bằng cách cắt đứt liên lạc. Các con có tìm đến nhà để nói chuyện ông cũng không tiếp. Ông chỉ nói nhất định ông sẽ lấy bà Lan, nếu các con vẫn phản đối thì các con có thể từ bố. Chẳng rõ trời không chịu đất thì đất có chịu trời hay không nhưng hiện tại, ông Hùng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ các con của mình.

Chuyển nhà để yêu

Dạo gần đây, chị Thủy nghe các bà hàng xóm buôn chuyện với nhau rằng, ở ngoài công viên, nơi các cụ thường tập thể dục mới xuất hiện một cặp đôi yêu nhau. Một cặp đôi già. Thi thoảng rảnh việc, chị Thủy cũng bế con ra ngoài hè ngồi nghe các bà kể chuyện, rồi cười rũ khi nghe các bà tả lại cảnh tán tỉnh yêu đương của cặp đôi già kia. Nghe kể nhiều cũng tò mò, một buổi, chị quyết định dậy sớm theo các bà đi tập để rình cặp đôi kia. Đến nơi, nhìn thấy dáng áo, chị đã ngờ ngợ, đến khi nhìn thấy mặt nhân vật chính thì chị tá hỏa. 1 trong 2 nhân vật chính của cặp đôi già là bố chị. Bố chị sống ở phố khác, Thủy chẳng hiểu sao bố lại chạy sáng ra tận công viên gần nhà chị. Các bà hàng xóm không biết mặt bố Thủy nên ngày nào cũng kể chuyện cho chị mà chẳng ngại ngần. Nhìn thấy mặt bố, Thủy lặng lẽ rút êm rồi đi về nhà.

Ngay tối hôm đó, Thủy gọi các anh chị em trong nhà đến để bàn chuyện. Thực ra chuyện yêu đương của ông Lâm, bố chị, từ lâu đã không phải là chuyện lạ đối với gia đình này. Ông Lâm là nhạc sĩ, tâm hồn rất bay bổng, dễ yêu, dễ bỏ, nhưng những người ông yêu trước đây đều là các cô ca sĩ, chẳng quen biết gì với gia đình chị Thủy. Còn lần này, ông Lâm yêu đúng hàng xóm nhà chị, dù gì qua lại cũng gặp mặt nhau, chị không muốn chuyện yêu đương của bố mình làm ảnh hưởng tới quan hệ hàng xóm. Chị Thủy khẳng định: "Tôi còn lạ gì bố mình. Chỉ khoảng 1 tháng là ông lại có tình yêu khác. Bố tôi yêu nhanh lắm. Quên cũng nhanh. Có lẽ đó là lí do ngày xưa mẹ tôi bỏ bố con tôi mà đi".

Nghe ý kiến của chị Thủy, cả nhà nhất trí sẽ phản đối mối tình này của ông Lâm đến cùng. Thấy con phản đối, ông Lâm đồng ý dừng lại luôn. Điều này làm chị Thủy giật mình: "Tôi tưởng bố phải giận dữ hoặc ít nhất tỏ thái độ không vui nhưng đằng này, ông lại cười cười nói: "Được rồi, được rồi". Đúng là chẳng thể hiểu được tâm tư của bố tôi". Quả thật là chẳng ai hiểu được ông, bởi người ông Lâm yêu là con gái của hàng xóm nhà Thủy. Ông Lâm đi tập thể dục trong công viên gần nhà Thủy cốt là để gặp gỡ, trò chuyện và lấy lòng "mẹ vợ tương lai". Cô gái bố Thủy yêu kém ông tới 22 tuổi, chỉ hơn chị Thủy đúng 3 tuổi. "Trước bố tôi yêu nhiều người còn trẻ hơn cô này, nhưng ông chỉ yêu thôi chứ không đòi cưới. Chả hiểu sao yêu cô này lại nằng nặc đòi cưới rồi nói chúng tôi sang nhà cô ta để nói chuyện với bố mẹ cô cho ông lấy cô về làm vợ" – Chị Thủy nhăn nhó kể chuyện.

Các con không đồng ý, ông Lâm cũng không nài thêm. Không ai ngờ, ông lẳng lặng chuyển sang thành phố khác để sống và đồng thời đưa luôn cả cô gái kia theo. Bố tôi đi chỉ để lại lời nhắn: "Bố chuyển đi một thời gian để tìm cảm hứng sáng tác. Các con yên tâm, không phải tìm". Rồi ông thay cả số điện thoại. Đến giờ đã gần 1 tháng mà gia đình tôi vẫn chưa có chút thông tin nào về bố. Còn bà hàng xóm thì ngày nào cũng sang nhà tôi khóc lóc, bắt tôi mang con gái về trả cho bà" - chị Thủy ngán ngẩm kể. Hiện tại, gia đình chị đã thuê thám tử để tìm ông Lâm nhưng khả năng tìm thấy ông là rất ít vì ngay cả thành phố mà bố chị chuyển đến, chị cũng không biết đó là thành phố nào. Bắt thám tử đi tìm khi trong tay không có chút dữ liêu nào quả thật không khác gì mò kim đáy bể.

Nên duyên từ viện dưỡng lão

Khác với các cụ ở trên, bị con cái ngăn cản chuyện yêu đương, thì bà Huệ lại được con cái cổ vũ bà tìm một người bạn tâm tình, bầu bạn lúc tuổi già, còn bản thân bà Huệ thì nhất quyết không đồng ý. Bà nói, bà quen sống một mình rồi nên không cần người để bầu bạn. Nhất là bà sợ hàng xóm cười rằng, bà già rồi còn bày trò yêu đương của lũ trẻ con. Mặc kệ ý kiến của mẹ, các con bà tìm hết mối này đến mối khác cho mẹ. Có nhiều người thích bà Huệ bởi bà nhẹ nhàng, đoan trang và rất nhân hậu. Bà có tài làm bánh nên ai đến gặp bà cũng được bà mời thưởng thức một loại bánh do bà kì công nghiên cứu và học làm. Nhiều người kiếm cớ đến học làm bánh để có thời gian nói chuyện với bà, nhưng hễ họ đề cập đến vấn đề tình cảm là bà cho dừng ngay việc học và nói khéo để họ hiểu ý của mình.

Các con thương mẹ một mình vẫn cố làm mối nhưng không thành. Nghe bạn bè mách, con cả của bà Huệ quyết định gửi bà vào viện dưỡng lão một thời gian vì "ở đây toàn các cụ. Họ sống cùng thời với nhau, dễ chia sẻ với nhau và dễ nảy sinh tình cảm với nhau hơn. Nhất là khi trong viện lại có khá nhiều đôi đã nên duyên, biết đâu mẹ cậu gạt bỏ được ngại ngùng kia để mở lòng với một ai đó?" - bạn của cậu cả khuyên. Mặc dù bị hàng xóm nói ra nói vào rằng, các con bà Huệ bất hiếu nên mới không phụng dưỡng, chăm lo cho mẹ mà đẩy mẹ vào viện dưỡng lão, nhưng cậu cả nhà bà Huệ vẫn quyết làm theo ý định của mình. Anh nói với mẹ: "Thời gian tới bọn con sẽ sửa lại nhà để mở công ty. Vì thế công việc sẽ bận rộn hơn, bọn con cũng phải đi ở nhờ nên mẹ chịu khó vào viện ở khoảng 3 tháng. Sau 3 tháng, con sẽ đón mẹ ra. Mẹ hiểu cho bọn con". Nghe con nói, bà Huệ vui vẻ nhận lời tuy trong lòng bà cảm thấy tủi thân vì dường như bà đã trở thảnh gánh nặng của con cái.

 

Thời gian đầu vào viện, bà Huệ ít tiếp xúc và nói chuyện với mọi người vì trong lòng vẫn chất chứa nỗi niềm buồn vì con. Nơi duy nhất có thể khiến bà tìm được chút niềm vui là trong nhà bếp của viện. Phần lớn thời gian bà Huệ dành thời gian ở trong bếp để giúp mọi người nấu cơm, khi có hứng bà sẽ làm bánh để thay đổi món tráng miệng cho mọi người. Món bánh tráng miệng này đã giúp bà làm quen với ông Mạnh, một người bạn già cũng ở trong viện dưỡng lão như bà.

"Lần đầu tiên gặp ông ấy, chúng tôi đã cãi nhau. Tôi đang ở trong bếp thì nghe có tiếng người hỏi ai làm bánh tráng miệng. Tôi nhận thì ông đã mở miệng chê ngay, nói tôi làm bánh quá chán. Một là phải làm ngon, hai là thôi không làm. Trước giờ, món bánh đó của tôi luôn được mọi người khen. Chưa từng nghe lời chê bao giờ. Nghe ông Mạnh nói thế, tôi không đáp lại vì tôi nghĩ ông ấy không phải người trong nghề thì biết gì mà đòi nhận xét. Ai ngờ, ông ấy vào bếp làm lại bánh luôn. Và quả thật, khi ăn bánh ông ấy làm, tôi thấy món bánh của mình còn kém xa" - bà Huệ kể.

Sau lần đó, cả hai vẫn chưa hẳn thân thiết mà ngầm coi nhau là đối thủ. Trong viện, vào mỗi bữa trưa, tự dưng có thêm hai loại bánh tráng miệng. Một của bà Huệ. Một của ông Mạnh. Hai ông bà cá cược, ai nhận được nhiều phiếu thích hơn thì sẽ được làm sư phụ của người kia. Cuối cùng, ông Mạnh thắng. Đến lúc đó, bà Huệ mới hết hậm hực và đồng ý coi ông Mạnh là thầy dạy của mình. Ông Mạnh không giấu nghề. Mỗi tuần ông dạy cho bà một loại bánh mới. Các con bà Huệ nghe y tá kể lại chuyện thì mừng lắm, khẳng định rằng đây chính là người mà họ đang đi tìm cho mẹ mình.

Hết 3 tháng, bà Huệ được các con đón về nhà. Nhưng giờ bà lại không muốn về. Bà tìm mọi lí do để các con cho bà ở thêm trong viện dù chỉ 1 tuần cũng được. Các con hiểu ý mẹ nhưng vẫn cố tình đón mẹ về. Cậu cả ở lại nói chuyện với ông Mạnh. Hiểu được tâm tình của cả hai, anh ngỏ ý muốn ông và mẹ mình về ở với nhau. Ông Mạnh có chút băn khoăn nhưng sau đó đồng ý ngay. Cuộc tác thành của các con bà Huệ coi như đã thành công mỹ mãn. Vấn đề còn lại chỉ là từ các con của ông Mạnh. Nghe cậu cả nhà bà Huệ trình bày ngọn ngành, các con ông cũng vui vẻ đồng ý mà không hề phản đối. Bà Huệ nghe con nói thì ngượng ngùng nhưng không còn khăng khăng mẹ quen sống một mình rồi như xưa nữa. Hai ông bà về ở với nhau, các con làm mấy mâm cơm báo cáo với tổ tiên và họ hàng.

Hiện ông Mạnh và bà Huệ sống tại một ngôi nhà riêng do con cái hai bên góp tiền mua cho bố mẹ. Họ mở một hiệu bánh nhỏ để có tiền sinh hoạt hàng ngày và cũng để có việc làm hàng ngày cho đỡ buồn tay chân, nhất là chính nhờ việc làm bánh mà ông bà đã nên duyên với nhau.

Hành xác ép con

Cũng gặp được tình yêu của mình vào lúc tuổi già bóng xế, bị các con phải đối, ông Huy quyết định hành hạ mình để "chúng nó thấy xót, chúng nó cho tôi và bà ấy về ở với nhau". "Bà ấy" của ông Huy ở đây là bà Vân, người giúp việc cho gia đình Thảo, con gái út của ông Huy. Thảo kể: "Bà Vân làm giúp việc cho nhà tôi đã gần 10 năm. Lâu nay, bố qua nhà tôi chơi vẫn gặp bà ấy. Hai người chỉ chào hỏi xã giao thế mà chẳng hiểu sao, đùng một cái, bố tôi tuyên bố, bố yêu bà Thảo và muốn xây dựng gia đình với bà ấy", vợ chồng ông Huy li hôn đã hơn năm nay. Bà vợ cũ của ông đã lấy chồng và sang Tây sinh sống. Trước khi nhận được tin đó, ông Huy thề sẽ không quan tâm đến phụ nữ nữa vì ai cũng bạc tình, bạc nghĩa. Giờ bỗng dưng ông yêu, con cái ông rất là ngạc nhiên.

Biết người ông yêu là người giúp việc nhà cô Thảo thì từ ngạc nhiên, các con ai cũng đồng tình phản đối, vì thứ nhất, ông Huy đã có tuổi, thứ hai ông không yêu ai lại đi yêu bà giúp việc. Trước giờ bà Vân là thân phận kẻ dưới, nghe sai bảo của Thảo, giờ nếu bà lấy bố cô thì bỗng dưng mọi trật tự trong nhà bị đảo lộn. Động thái đầu tiên của các con trong việc "hủy diệt" tình yêu của bố là cho bà Vân nghỉ việc. Bà Vân nghỉ việc thì chỉ còn nước về quê. Ông Huy không chịu, lập tức tuyệt thực để thể hiện thái độ. Các con có nói thế nào ông cũng nhất quyết không ăn. Chỉ khi Thảo hứa với bố sẽ để bà Vân quay lại làm việc bình thường ông mới chịu ăn chút cháo mà cháo nhất định là phải do bà Vân nấu ông mới ăn.

Ông Huy chuyển sang nhà con út ở. Hàng ngày, ông ăn cơm do bà Vân nấu, vui vẻ cùng bà lau dọn nhà cửa và chăm sóc mảnh vườn nhỏ trước nhà. Tất nhiên, nhìn những cảnh đó, con cái ông thấy không thuận mắt. Thảo xin nghỉ phép ở nhà để trông bố. Để tách bố khỏi bà Vân, cô đề nghị bố dạy mình tiếng Pháp, vì ông Huy trước đó đã từng đi du học ở Pháp hơn 2 năm. Thời gian phải dùng để dạy con gái học tiếng, thành ra ông ít có cơ hội nói chuyện với bà Vân. Sau ông hiểu Thảo chỉ tìm cớ, chứ Thảo chẳng cần biết tiếng Pháp để làm gì thì ông hủy lớp, quay về với nếp sống trước. Thảo ra điều kiện, chỉ giữ bà Vân lại làm giúp việc nếu ông Huy về nhà con cả sống. Ông Huy lại tuyệt thực. Không chỉ vậy, ông còn học thêm điệu khóc hờ. Ngày nào ông cũng khóc hờ than thân trách phận buôn bã, cuối đời tìm được niềm vui lại không được con cái ủng hộ. Ông quyết định đi tu. Ông nói: "Chúng mày cấm bố yêu thì bố đi tu cho chúng mày yên tâm, không phải cả ngày ở nhà rình mò bố nữa".

Tất nhiên ông chỉ nói vậy để dọa con. Nhưng chiêu dọa này của ông có vẻ không thành công khi các con hồ hởi xếp quần áo cho ông, còn hỏi ông định tu ở chùa nào để các con hỏi thủ tục trước... Bố con cùng thi gan với nhau. Đến khi ông cạo đầu, đi đến cửa chùa thì các con mới khóc òa, cầu xin bố về vì các con vốn tin bố sẽ không đi tu thật. Nay thấy ông quyết liệt như vậy, các con sợ sự sẽ thành thật nên khóc xin bố về. Đồng thời hứa sẽ cho ông lấy bà Vân theo đúng ý nguyện của ông. Tất nhiên, ông Huy chỉ cần có thế. Ngay sau khi nghe thấy câu hứa đó, ông xách đồ đi thẳng vào xe, nói với giọng vui vẻ: "về nhanh còn chuẩn bị đám cưới cho bố". Đến lúc đó, các con mới hay mình đã bị lừa, chỉ tiếc gan ông Huy lớn hơn gan của họ.