"Bối rối" quản lý xe đạp, xe máy điện

ANTĐ - Trong khi ngành GTVT còn chưa tìm ra cách để quản lý xe đạp điện thì số lượng phương tiện lắp mới hàng ngày vẫn tăng chóng mặt. Đáng nói, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa có căn cứ để phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện.
"Bối rối" quản lý xe đạp, xe máy điện ảnh 1

Người tiêu dùng, cơ quan chức năng loay hoay phân biệt xe máy điện, xe đạp điện

Chỉ 10% xe qua đăng kiểm

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, từ ngày 1-1-2014 đến 31-8-2015 số lượng xe đạp điện nhập khẩu trên cả nước là 5.324 chiếc, số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 47.308 chiếc. Đáng nói, số xe đạp điện lắp ráp chui rất lớn, chỉ có khoảng 10% số xe đạp điện hiện nay là qua đăng kiểm.

Ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH ô tô xe máy Detech thông tin: “Nhiều doanh nghiệp được chào hàng xe lậu không giấy tờ ở biên giới Trung Quốc, thậm chí ngay tại Việt Nam. Không cần giấy tờ gì cả, kể cả giấy xác nhận chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ, giá rất thấp, muốn loại nào cũng có”.

Theo quy định, vận tốc xe đạp điện không quá 25km/h vì hệ thống phanh không đảm bảo, nhưng thực tế hiện nay, xe đạp điện vẫn chạy với tốc độ lên tới 40km/h. Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT cho rằng, phải phân loại phương tiện đó là xe máy điện hay xe đạp điện.

Tới đây, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sửa đổi sẽ đưa ra một điều khoản để phân biệt nhanh xe đạp điện và xe máy điện. Về tốc độ, xe đạp điện hoạt động trên nguyên lý biến áp dòng điện nên các phương tiện đáp ứng được điều kiện của quy chuẩn thì tốc độ không thể vượt quá 25km/h. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường, người sử dụng có thể tác động vào các bộ điều khiển như tay ga để làm tăng tốc độ. 

Đến nay cơ quan chức năng vẫn gặp khó trong việc phân biệt xe máy điện và xe đạp điện. Bởi theo quy định, xe máy điện được xếp vào xe cơ giới đường bộ, phải đăng ký BKS để cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát. Song, lượng người đưa phương tiện đến đăng ký vẫn rất khiêm tốn dù cơ quan chức năng đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ về giấy tờ, miễn thuế trước bạ… 

Cần có lộ trình quản lý 

Theo một số doanh nghiệp, quy định phân biệt xe máy điện, xe đạp điện hiện nay của Cục Đăng kiểm vẫn chưa rõ ràng, khoa học. Ông Ngô Văn Quyền,  Phó Giám đốc Công ty CP liên doanh Việt Thái cho rằng, đang có sự nhầm lẫn giữa xe máy điện và xe đạp điện, nhất là khi áp dụng theo quy chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

“Hiện nay, chúng ta vẫn chỉ phân biệt bằng cách, nếu xe có bàn đạp thì cho rằng đó là xe đạp điện. Vì thế, không thể bằng mắt thường để xác định đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Có nhiều trường hợp để lách luật, tránh các quy định của nhà nước, nhà sản xuất lắp thêm bàn đạp cho giống xe đạp điện nhưng thực tế thì công suất và tốc độ là của xe máy điện” - ông Ngô Văn Quyền cho hay. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí nhìn nhận, thực tế để giúp người tiêu dùng phân biệt dựa vào tem cũng rất khó. “Tem chỉ phản ánh việc xe đã được kiểm định chất lượng hay chưa bởi hiện nay, số lượng xe đạp điện nhập khẩu lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn. Có rất nhiều xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường”. 

Để quản lý được tình trạng xe đạp điện, xe máy điện, ông Nguyễn Hữu Trí đề xuất, cần phải có biện pháp từ quản lý thị trường, quản lý xuất nhập khẩu, hạn chế lắp ráp, nhập khẩu chui thì mới giảm được tình trạng xe không qua kiểm định vẫn bán tràn lan và được sử dụng phổ biến như hiện nay. Các doanh nghiệp kinh doanh xe máy điện, xe đạp diện cũng kiến nghị, cơ quan chức năng Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện lộ trình quản lý xe đạp điện chứ không thể tiếp tục “thả nổi”.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhìn nhận: “Phải có văn bản đưa ra lộ trình, yêu cầu đến thời điểm nhất định, các xe không có hóa đơn, tem hợp quy, đăng kiểm mà bán trên thị trường sẽ không được đăng ký, không được cấp đăng kiểm và sẽ bị xử phạt".