Bồi dưỡng thu hút và trọng dụng nhân tài

(ANTĐ) - Sau 30 năm cải cách, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nguyên nhân thành công thì nhiều, nhưng một phần không nhỏ là do Nhà nước Trung Quốc đã nghiên cứu và thực hiện rất tốt công tác trí thức, nhờ đó đã thu hút được một số lượng lớn nhân tài tham gia đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng, xây dựng và phát triển đất nước. Là một nước láng giềng với khá nhiều điểm tương đồng, có nhiều bài học trong công tác trí thức của Trung Quốc đáng để chúng ta suy ngẫm.

Vấn đề “tam nông”, “tam tài” ở Trung Quốc:

Bồi dưỡng thu hút và trọng dụng nhân tài

(ANTĐ) - Sau 30 năm cải cách, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nguyên nhân thành công thì nhiều, nhưng một phần không nhỏ là do Nhà nước Trung Quốc đã nghiên cứu và thực hiện rất tốt công tác trí thức, nhờ đó đã thu hút được một số lượng lớn nhân tài tham gia đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng, xây dựng và phát triển đất nước. Là một nước láng giềng với khá nhiều điểm tương đồng, có nhiều bài học trong công tác trí thức của Trung Quốc đáng để chúng ta suy ngẫm.

>>> Then chốt là nâng cao đời sống nông dân

Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng đầu tư
Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng đầu tư

Đưa “dòng chất xám” chảy về nguồn

Nếu như thế kỷ 19, các ông vua của Trung Quốc đã ra chiếu chỉ đưa hàng loạt thanh niên sang phương Tây du học nhằm “đưa thế giới về Trung Hoa”, thì cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, ở đất nước này lại nổi lên một trào lưu du học thứ hai với mục tiêu lớn “đưa Trung Quốc ra thế giới”.

Từ năm 1978 Nhà nước tiến hành cải cách mở cửa, với những chính sách giáo dục hết sức thông thoáng, tính đến năm 2006 tổng cộng đã có trên 1 triệu người được đi đào tạo ở nước ngoài bằng nhiều phương thức khác nhau.

Riêng năm 2007, số lượng du học sinh Trung Quốc đạt 140.000 người, chủ yếu phân bổ ở các trường đại học có tiếng của Anh, Mỹ, Canada... Theo thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2008, số lượng du học sinh Trung Quốc ở Anh đã tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo ông Vạn Cương - Thường vụ ủy ban toàn quốc hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, Bộ trưởng Bộ KHKT: Trung Quốc hiện có môi trường rất tốt để thu hút trí thức hải ngoại trở về. Vì vậy, cần làm cho những nhân sỹ trí thức hải ngoại có ý định về nước lập nghiệp, phục vụ Tổ quốc thấy được hiện trạng, lấy sự nghiệp để thu hút nhân tài, lấy tình đồng bào để quy tụ nhân tài, lấy chính sách để phát triển nhân tài.

Đây được coi là một phần trong chiến lược bồi dưỡng trí thức hiện nay của Trung Quốc. Những sinh viên này trong thời gian du học và tu nghiệp ở nước ngoài đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế đang trên đà phát triển hướng ra thế giới.

Vì vậy, việc đưa sinh viên ra nước ngoài du học luôn được tiến hành đồng thời với việc thu hút trí thức người Hoa từ hải ngoại trở về. 30 năm qua, đã có gần 350.000 du học sinh Trung Quốc về nước. Trong số này, có rất nhiều nhà khoa học đang là giáo sư giảng dạy tại các trường đại học lớn; nhà quản lý, những chuyên viên cao cấp, lãnh đạo các công ty tài chính, ngân hàng, tập đoàn; nhà nghiên cứu trong các trung tâm lớn... của Âu-Mỹ.

Khi về nước, họ được hưởng các chế độ ưu đãi đặc biệt như mức lương cao, điều kiện làm việc, nghiên cứu, sinh hoạt tốt, được chính phủ hỗ trợ khi thành lập công ty..., trở thành người đứng đầu trong các doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, giáo dục hàng đầu hay đứng ra mở các công ty xuyên quốc gia.

Họ là những người thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế mới và các lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, thông tấn báo chí..., thậm chí cả các ngành nghề truyền thống, góp phần làm cho vị thế của Trung Quốc ngày càng vững chắc trên trường quốc tế.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã thu hút được trên 1.200 nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về nước làm việc. Vương Huy Diệu - Chủ tịch Hội đồng khoa học Âu-Mỹ, Hội trưởng Hội thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, Phó Hội trưởng Hội Thương nhân Hoa kiều, Chủ tịch Hội Hữu nghị hải ngoại Trung Hoa... là 1 trong 10 Hoa kiều tiêu biểu có những cống hiến lớn lao cho đất nước.

Vương Huy Diệu tốt nghiệp Thạc sỹ ngành quản lý công thương ở Mỹ, bảo vệ Tiến sỹ ở Canada, từng làm việc ở nhiều công ty, ngân hàng lớn ở hai nước này. Nhận thấy “thế hệ lãnh đạo mới hết sức coi trọng nhân tài”, Vương Huy Diệu đã về nước, ngoài việc tham gia giảng dạy với tư cách một giáo sư ở đại học Bắc Kinh, anh còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà.

Bên cạnh đó còn hàng loạt những nhân sỹ nổi tiếng đã từng công tác lâu năm ở hải ngoại và đạt được những thành công nhất định, quay về cống hiến cho đất nước như Giáo sư Diêu Kỳ Trí (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu máy tính ĐH Thanh Hoa), Giáo sư Trần Chương Lương (Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp), Giáo sư Lưu Liên Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phần mềm Quảng Tây), Tiến sỹ Trương Hồng Lực (Tổng Giám đốc Ngân hàng Đức ở châu Á), Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Quang Vũ (Hiệu trưởng ĐH Y Quảng Tây)... Có thể nói, bằng những chính sách cởi mở và thông thoáng cũng như sự phát triển đầy “khởi sắc”, Trung Quốc đã khá thành công trong việc đưa dòng chất xám “chảy về nguồn”.

“Chiêu hiền đãi sỹ”

Bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, chính phủ Trung Quốc cũng hết sức coi trọng việc bồi dưỡng và khai thác nguồn lực dồi dào trong nước. Điều đó trước hết thể hiện ở việc xác định “khoa giáo hưng quốc” là một chiến lược mang tính quốc gia, trong đó lấy giáo dục làm gốc, đặt khoa học và giáo dục ở vị trí trọng yếu đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, KHKT của quốc dân. Vì vậy, kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục của Trung Quốc liên tục tăng lên trong mấy năm qua, hiện chiếm khoảng 3,4% GDP.

Chính sách “tam tài” (bồi dưỡng nhân tài, thu hút nhân tài và trọng dụng nhân tài) của Đảng Cộng sản Trung Quốc: 1- Ra sức ủng hộ sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, thúc đẩy KHKT phát triển, đưa thành tựu KHKT vào sản xuất; 2- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, động viên trí thức đóng góp vào sản xuất; 3- Điều động nhân tài hợp lý, cạnh tranh bình đẳng, tạo cơ chế cho những người ưu tú có dịp thể hiện tài năng; 4- Mở rộng kênh thông tin để tiếp thu ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức, thúc đẩy dân chủ hóa, khoa học hóa; 5- Tăng cường công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức, làm cho họ kết hợp hài hòa giữa nhu cầu cá nhân và việc phục vụ Nhà nước; 6- Hoàn thiện môi trường xã hội để trí thức phát huy được hết tài năng.

Đồng thời với việc đầu tư phát triển đội ngũ trí thức, Trung Quốc cũng đẩy mạnh cải cách việc sử dụng, quản lý nguồn nhân tài theo hướng tiến bộ hơn. Cơ chế tuyển dụng trong các cơ quan Nhà nước đã trở nên hết sức linh hoạt, cởi mở, công bằng, chú trọng thực lực hơn bằng cấp, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân tài phát huy được khả năng của mình.

Nhà nước còn có chế độ nhằm khuyến khích công tác nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ... Giữa các địa phương trong cả nước cũng xuất hiện một cuộc cạnh tranh mới, không ngừng đưa ra những chính sách ưu đãi tốt nhất để thu hút nhân tài về phía mình.

Thực tế phát triển của Trung Quốc chứng minh nước này đã khá thành công trong việc bồi dưỡng, sử dụng và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức. Tuy vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, hiện nay tình trạng nhân tài của Trung Quốc vẫn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là hiện tượng chảy máu chất xám, lãng phí nhân tài vẫn còn khá nghiêm trọng.

Vì vậy, Chính phủ nước này vẫn tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển để ngày càng hoàn thiện cơ chế chính sách của mình.

Bảo Trâm (Tổng hợp)