Bóc gỡ đường dây giả danh tu hành để bán thuốc Nam trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ lập các trang mạng xã hội để ảnh chân dung sư thầy Thích Tuệ Hải, một đường dây bán thuốc Nam còn giả giọng nhà tu hành để “khuyếch trương” công dụng các loại thuốc khiến người dân lầm tưởng...
Các đối tượng giả danh nhà sư bán các sản phẩm tự chế nhằm chiếm đoạt tài sản

Các đối tượng giả danh nhà sư bán các sản phẩm tự chế nhằm chiếm đoạt tài sản

Từ những trang mạng xã hội mạo danh nhà tu hành

Qua công tác nắm tình hình địa bàn và trên không gian mạng, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) phát hiện một số trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh sư thầy Thích Tuệ Hải ở chùa Long Hương, tỉnh Đồng Nai, để bán thuốc chữa bệnh xương khớp. “Quá trình xác minh, chúng tôi phát hiện nhà sư này không bán các loại thuốc trên, nhưng các trang bán hàng lại để ảnh đại diện nhằm mạo danh nhà tu hành, đánh lừa lòng tin của người dân nhằm trục lợi...” - Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết.

Kết quả ban đầu cho thấy, đường dây này do Trần Huy Hoàng (SN 2002, hộ khẩu thường trú tại thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) cầm đầu. Không chỉ lợi dụng uy tín của sư thầy Thích Tuệ Hải, đối tượng Hoàng cùng đồng phạm giúp sức còn đăng tải những bài quảng cáo thổi phồng công dụng của các loại “thuốc Nam” mà mình bán. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an huyện Ba Vì đã xác lập chuyên án đấu tranh, quyết tâm bóc gỡ đường dây lừa đảo trên không gian mạng của Trần Huy Hoàng trong thời gian sớm nhất. “Toàn bộ các loại thuốc Nam mà ổ nhóm này đăng bán trên mạng xã hội đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không kiểm định chất lượng và công dụng trong việc chữa bệnh. Điều này là nguy hiểm cho người sử dụng, có thể gây ra những hậu quả rất khó lường. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định các đối tượng trong ổ nhóm để xử lý triệt để” - Chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự nhấn mạnh.

Cơ quan công an đột kích “văn phòng” làm việc của ổ nhóm lừa đảo

Cơ quan công an đột kích “văn phòng” làm việc của ổ nhóm lừa đảo

Chỉ bán trên mạng xã hội, lập các tài khoản ảo để hoạt động, và thậm chí ổ nhóm này còn mở nhiều tài khoản Facebook giả danh khách hàng đã sử dụng thuốc để phản hồi về công dụng của nó, tạo thêm lòng tin cho nhiều người khác. Ngày 16-8-2024, chuyên án đã được phá thành công, Công an huyện Ba Vì bắt giữ 15 đối tượng liên quan. Vật chứng thu giữ gồm 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 1 máy tạo viên thuốc, 16 gói thuốc lá cây, cùng nhiều tài liệu khác... Qua xác minh nhanh, lực lượng chức năng cũng thu giữ thêm 41 hộp thuốc chữa xương khớp, dạ dày từ 15 bị hại ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tổng số đơn hàng mà nhóm này đã giao thành công lên tới hơn 1.400 đơn với tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng.

Những chiêu trò lừa đảo, quảng cáo nhảm

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cùng lời khai của các đối tượng, Công an huyện Ba Vì xác định, đầu năm 2023 Trần Huy Hoàng đã quen biết với Dương Quốc Lập (SN 1998, trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) do làm cùng công ty chuyên về bán thuốc Nam ở Hà Nội trước đó. Nhận thấy nhu cầu mua thuốc Nam của khách hàng tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm xương khớp, các đối tượng lên mạng xã hội tìm hiểu thì nắm được thông tin về sư thầy Thích Tuệ Hải ở chùa Long Hương có chữa bệnh bằng cây thuốc Nam nên đã bàn bạc giả danh vị sư này để bán các sản phẩm tự chế, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Một bị hại mua thuốc giả của nhóm đối tượng

Một bị hại mua thuốc giả của nhóm đối tượng

Bắt tay vào hoạt động, Hoàng thuê một căn nhà tại đường Phú Mỹ, thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì làm văn phòng làm việc cho “nhân viên”. Các đối tượng làm cho Hoàng chủ yếu không có việc làm ổn định, được Hoàng lôi kéo tham gia. Theo phân công của Hoàng, Dương Quốc Lập chịu trách nhiệm quảng cáo, giới thiệu và tư vấn trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, đối tượng này còn quản lý, điều hành nhóm nhân viên tư vấn, bán sản phẩm thông qua nhóm kín Telegram. Các đối tượng khác trong nhóm được phân công thu mua nguyên liệu và giao hàng cho khách; hỗ trợ phân chia thông tin khách hàng và trực tiếp tham gia quảng cáo, bán sản phẩm; nhận các sản phẩm, in đơn, đóng gói và gửi hàng qua đơn vị vận chuyển trung gian… “Vì thầy Thích Tuệ Hải ở miền Nam và sẽ nói giọng địa phương, nên khi nói chuyện qua điện thoại với khách hàng, tôi cũng yêu cầu nhân viên giả giọng thầy để người mua tin tưởng chốt đơn” - Trần Huy Hoàng khai nhận.

Những loại thuốc Nam được nhóm của Hoàng bán cho người dân đều chế biến từ các lá và thân cây như cây sung nước, cây xấu hổ, lá lốt… với giá nhập chỉ khoảng 17.000 - 25.000 đồng/hộp, nhưng bán ra với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/hộp. Trong khi đó, người dân vì tin tưởng nên bỏ tiền ra mua mà không biết công dụng sẽ như thế nào. Trung tá Nguyễn Việt Hùng cũng thông tin, quá trình điều tra chuyên án gặp rất nhiều khó khăn, như người mua dù khi sử dụng không thấy hiệu quả nhưng cũng không trình báo cơ quan công an. Bên cạnh đó, các đối tượng chỉ bán sản phẩm trên mạng xã hội thông qua các tài khoản ảo, nên việc xác định nhân thân, lai lịch cũng là một trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, ổ nhóm lừa đảo này đã nhanh chóng bị bóc gỡ.

Ổ nhóm giả danh nhà tu hành lừa đảo quảng cáo bán thuốc nam trên mạng xã hội bị bắt

Ổ nhóm giả danh nhà tu hành lừa đảo quảng cáo bán thuốc nam trên mạng xã hội bị bắt

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác khi mua thuốc chữa bệnh qua mạng xã hội. Việc mua thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không ít đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng để lừa đảo, quảng cáo thuốc với những công dụng “không tưởng” nhưng thực chất lại không có hiệu quả. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ mua thuốc từ những cơ sở uy tín, có giấy phép hoạt động. Nếu có nhu cầu chữa bệnh, hãy tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác khi mua thuốc chữa bệnh qua mạng xã hội. Việc mua thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không ít đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng để lừa đảo, quảng cáo thuốc với những công dụng “không tưởng” nhưng thực chất lại không có hiệu quả.