Bóc gỡ đường dây đưa lậu người Việt Nam sang Anh

Ngày 8-2 vừa qua, Europol (cảnh sát châu Âu) và Eurojust (Tòa án châu Âu) thông báo đã bắt được 38 nghi can hoạt động trong đường dây đưa lậu người Việt sang xứ sở sương mù

Bóc gỡ đường dây đưa lậu người Việt Nam sang Anh

Kỳ 1: Bất ngờ từ tai nạn giao thông

Ngày 8-2 vừa qua, Europol (cảnh sát châu Âu) và Eurojust (Tòa án châu Âu) thông báo đã bắt được 38 nghi can hoạt động trong đường dây đưa lậu người Việt sang xứ sở sương mù

Đây không phải là lần đầu các đường dây tổ chức đưa lậu người Việt từ châu Âu sang nước Anh bị bóc dỡ. Nhưng số lượng người bị bắt cho thấy quy mô của tổ chức tội phạm loại này ngày càng lớn, liên quan đến nhiều nước và nhiều người địa phương.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Lesquin. Ảnh: AFP

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Lesquin. Ảnh: AFP

Một vụ đụng xe chết người 

Europol đã theo dõi đường dây đưa người Việt này từ nhiều năm nay nhưng mãi đến bây giờ mới tóm được một số lượng lớn người tham gia đường dây phức tạp đó nhờ một sự kiện hết sức tình cờ cách đây hơn một năm.

Vùng Lesquin, gần sân bay thành phố Lille của Pháp, góc đường Descard và đại lộ Enchemont, lúc 8 giờ 30 phút ngày 22-10-2009 xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo biên bản của cảnh sát sở tại, một chiếc xe du lịch hiệu Skoda Octavia mang biển số Cộng hòa Czech vượt đèn đỏ đâm thẳng vào một chiếc mô tô. Người đàn ông lái mô tô, 51 tuổi, trên đường đến cơ quan, chết ngay sau đó vì vết thương quá nặng mặc dù nhân viên cấp cứu đã làm hết sức mình.

Trong khi đó, cảnh sát phát hiện hai người đàn ông châu Á mở cốp xe hơi chui ra ngoài co giò chạy thật nhanh định thoát thân nhưng không thành.

Tài xế chiếc Skoda Octavia là một người Czech 56 tuổi tên Vojtech Zeman. Ông ta bị bắt về tội vượt đèn đỏ do có nhiều người chứng kiến vụ đâm xe khẳng định rằng ông ta chạy sai luật.

Lý do làm Zeman chạy nhanh, chạy ẩu không có gì là khó hiểu. Ông ta vận chuyển "hàng lậu" là hai người Việt không có giấy tờ hợp pháp theo đơn đặt hàng của một tổ chức tội phạm chuyên đưa người Việt vào nước Anh qua ngả nước Pháp.

Lúc đầu, Zeman khai ông ta không biết có hai người khách không mời trong cốp xe. Nhưng hai người khách Việt khẳng định rằng Zeman chính là "giao liên". Hơn nữa, cảnh sát tìm thấy trong xe hai vé tàu biển đến Anh và hai chiếc điện thoại di động.  

Từ hai chiếc điện thoại nói trên, cảnh sát đã lần ra và bắt giữ 6 người "giao liên" Việt Nam, bao gồm 5 người đàn ông và một phụ nữ. Những người này tạm trú ở Gonesse, Lille và Dunkerque, thành phố cảng miền Bắc nước Pháp, nằm gần nước Anh nhất. Trước ngày xảy ra tai nạn, người ta nhìn thấy Zeman lảng vảng ở cửa đường hầm dưới biển Manche nối liền hai nước Pháp và Anh.

Ngày 2-2 vừa qua, 6 người Việt và tài xế Zeman hành nghề "giao liên" đã bị tòa thượng thẩm Lille xử chung thẩm. Tất cả đều nhận tội nhưng tuyên bố họ chỉ là người thừa hành. Một người Việt mang bí danh Seo thừa nhận đã đưa qua Anh trót lọt khoảng 40 người Việt với giá 2.000 euro (58,7 triệu đồng)/người. Một số tiền quá hấp dẫn. 

Trong khi đó, một người nhập cư lậu người Việt phải trả cho người trong đường dây từ 10.000 (hạng bình dân) đến 25.000 euro (hạng VIP).

Kiểm tra giấy tờ một nghi can người Việt ở Paris. Ảnh: LExpansion

Kiểm tra giấy tờ một nghi can người Việt ở Paris. Ảnh: LExpansion

Phiên tòa đã tuyên án 3 năm tù dành cho tài xế Zeman về tội làm chết người và đưa người trái phép sang Anh. Những người Việt bị kêu án từ 18 tháng đến 4 năm tù ở, trong đó có một người bị án treo 18 tháng. Tất cả đều bị cấm lưu trú 5 năm trên đất Pháp. Riêng hai "du khách" Việt trốn trong cốp xe được thả chờ ngày trục xuất về nguyên quán.

Chiến dịch Schwartz

Từ vụ án nói trên, nhà chức trách Lille đã phối hợp với Europol và Eurojust phá án. Và ngày 8-2, sau hơn 8 tháng điều tra, cảnh sát các nước Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Anh và Hungary đồng loạt mở "chiến dịch Schwartz" bóc dỡ nhiều đường dây đưa người Việt sang Anh của các tổ chức tội phạm Việt Nam.

Kết quả của chiến dịch, theo thông báo của Europol và Eurojust có trụ sở chính đặt tại Bruxelles, thủ đô Bỉ, có 14 người bị bắt ở Paris và 6 người ở Dunkerque (Pháp), 10 người ở Berlin, Munich và Eisenhuttenstad (Đức), 5 người ở Budapest (Hungary), 2 người ở Praha (Cộng hòa Czech) và 1 người ở London (Anh).

Ngoài ra, cảnh sát Pháp còn giải tỏa một lều trại bất hợp pháp ở Grande-Synthe gần Dunkerque, tạm giữ 38 người, trong đó có 17 người Việt không có giấy tờ hợp lệ. Những người này ăn ở tạm bợ trong lều trại chờ ngày "giao liên" đưa sang Anh bằng nhiều phương tiện khác nhau. Họ được giấu trên xe tải nhẹ chạy qua đường hầm dưới biển Manche hoặc tàu bè qua lại các hải cảng của Pháp và Anh.

Chiến dịch Schwartz khiến người ta nhớ lại hồi tháng 6-2010, cảnh sát Pháp, Anh, Đức và Hungary cũng từng hợp tác bóc dỡ những đường dây đưa người Việt vào Anh, tạm giữ gần 30 người, trong đó có 17 người Việt bị cảnh sát hàng không và cảnh sát biên phòng Pháp bắt tại vùng Pas-de-Calais.

Tính chung tại Pháp, cảnh sát biên phòng đã phá vỡ 92 đường dây đưa người, đa số là người Việt, sang Anh trong 5 tháng đầu năm 2010. Lúc đó, Eric Besson, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, đề ra mục tiêu phá vỡ 200 đường dây vào cuối năm 2010.

Những người Việt trả tiền để nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh được cấp giấy tờ giả, bay sang Paris bằng visa Schengen hoặc sang Moscow, thủ đô Nga, rồi từ đó vào các nước châu Âu bằng tàu lửa, xe hơi hoặc xe tải.

Họ sẽ được một nhóm "giao liên", đa số là người Iraq gốc Kurdistan, đón tại Bỉ và Pháp đưa sang Anh. Tiền "hoa hồng" cho "giao liên" từ 2.000 đến 3.000 euro/người.

(Còn nữa)

Theo Nguyễn Cao

Người Lao Động