Bộ Y tế lên tiếng về thông tin "mất trên 14.000 tỷ đồng để cấp công bố thực phẩm"

ANTD.VN - Có Hiệp hội phản ánh, từ năm 2012 đến nay, thủ tục cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đã khiến các doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công; 14.300 tỷ đồng để thực hiện.

 Thủ tục cấp công bố phù hợp quy định ATTP đang tạo ra cuộc tranh cãi gay gắt

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với 9 bộ ngành về thủ tục hành chính, trong đó có nội dung liên quan đến Nghị định 38 về cấp công bố phù hợp quy định ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Nhắc đến việc thực hiện Nghị định này từ năm 2012 đến nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng kiểm tra về ATTP thời gian qua quá nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít, trong khi có hiệp hội doanh nghiệp phản ánh các doanh nghiệp phải mất tới 28,6 triệu ngày công; 14.300 tỷ đồng cùng chi phí không chính thức cực lớn để làm thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến việc, theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP đối với các thực phẩm bao gói sẵn là 15-30 ngày, nhưng có thực tế mà một hiệp hội doanh nghiệp là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”…

Trước thực trạng trên, trả lời phỏng vấn báo chí chiều 23-8, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, trong quản lý nhà nước, nếu chỉ phản ánh ở một khía cạnh rằng doanh nghiệp phải mất hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công để làm thủ tục công bố ATTP thì là bài toán nửa vời.

“Cần phải đánh giá trên hiệu quả, chi phí có thể lớn như thế nhưng hiệu quả đạt được ra sao. Nếu hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này thực sự tốt, đem lại lợi ích lớn thì dù tốn hơn nhiều lần chúng ta cũng phải chi, cũng vẫn phải làm. PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP trước đây từng có nghiên cứu cho thấy, chi 1 đồng cho công tác ATTP thì tiết kiệm được 48 đồng cho công tác điều trị, bảo vệ sức khỏe” – ông Nguyễn Thanh Phong phân tích.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong trả lời báo chí chiều 23-8

Về thông tin “theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm thông thường là 15 ngày nhưng tới ngày 13 thì cán bộ mới gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ” gây mất thời gian và phiền hà doanh nghiệp, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, đây là thông tin phiến diện mà doanh nghiệp phản ánh.

Lý do vì hiện việc cấp công bố thực phẩm của Cục ATTP thực hiện toàn bộ trên ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất, chỉ cần vào mạng internet, doanh nghiệp, người dân đều biết được hồ sơ của mình đã được chuyển đến đâu, đang được xử lý ra sao.

“Đúng là thực tế có những hồ sơ không thể cấp được, phải làm đi làm lại nhiều lần vì hồ sơ xin cấp sai, không đạt. Còn cá biệt trường hợp nào do cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp thì Cục sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm” – ông Phong nhấn mạnh.

Về một số ý kiến cho rằng ngộ độc thực phẩm ở khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, đường phố mới phổ biến còn thức ăn bao gói sẵn thì ít nguy cơ ngộ độc nên thủ tục cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm bao gói sẵn ít có hiệu quả trong quản lý, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định, đây là nhận định hoàn toàn không đúng. Thực tế ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn chỉ là ngộ độc cấp tính, còn ngộ độc trường diễn do các thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn, chỉ tiêu chất lượng theo quy định mới đáng lo ngại.

Cục trưởng Cục ATTP cũng bác bỏ thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc doanh nghiệp đề nghị bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp ATTP nhiều năm qua nhưng Bộ Y tế không tiếp thu.

Theo ông Phong, khi lấy ý kiến sửa Nghị định 38 của Chính phủ, tháng 9-2016, VASEP có bản góp ý gửi về Bộ Y tế, trong bản góp ý này hoàn toàn không có đề xuất bỏ công bố phù hợp quy định ATTP. Đến tháng 3 năm nay, VASEP tiếp tục có văn bản góp ý gửi về Cục ATTP và lúc này họ mới đưa ra đề xuất bỏ công bố ATTP.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thông tin Hiệp hội sữa Việt Nam cũng kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp ATTP là chưa hoàn toàn chính xác. “Trực tiếp tôi đã nói chuyện với Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam để xác minh thông tin Hiệp hội sữa kiến nghị bỏ công bố thủ tục công bố phù hợp ATTP. Tổng thư ký Hiệp hội sữa nói với tôi là có rất nhiều người đến vận động Hiệp hội ký văn bản kiến nghị bỏ quy định công bố này nhưng do thấy không hợp lý nên Hiệp hội không ký” – Cục trưởng Cục ATTP nói.

Theo ông Phong, hiện tượng kể trên có thể xem là việc lobby chính sách rất nguy hiểm. “Các kiến nghị, đề xuất trong quá trình xây dựng chính sách là cần thiết để đảm bảo chính sách phù hợp với thực tiễn, song các kiến nghị này cũng phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Chúng tôi cũng chỉ là đơn vị tham mưu, quyết định cuối cùng vẫn do Chính phủ cân nhắc ban hành” – ông Phong nói thêm.