Bộ Y tế đề xuất sử dụng lại vaccine Quinvaxem

ANTĐ - Căn cứ trên các kết quả kiểm tra và kiểm định, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định loại vaccine “5 trong 1” Quinvaxem đạt chất lượng, an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế sẽ có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ và đề nghị được sử dụng lại vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian tới, sau gần 3 tháng tạm đình chỉ.

Đại diện Bộ Y tế, WHO và UNICEF tại buổi họp báo khẳng định vaccine Quinvaxem an toàn

Tại cuộc họp báo công bố kết quả đánh giá tính an toàn của vaccine Quinvaxem, do Bộ Y tế phối hợp với WHO và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 20-6, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – Trưởng ban Quản lý dự án TCMR Quốc gia cho biết, từ năm 2006, vaccine Quinvaxem đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số trên 400 triệu liều. Vaccine này được WHO tiền thẩm định về chất lượng và do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Việt Nam đã tiếp nhận 15,8 triệu liều và đã cấp phát 15,2 triệu liều cho các địa phương. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, tại nước ta ghi nhận tần số xuất hiện bất thường các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem nên Việt Nam đã quyết định tạm dừng sử dụng loại vaccine này.

Trong thời gian tạm ngừng, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO tiến hành một số biện pháp cần thiết, bao gồm: Làm việc với nhóm chuyên gia hàng đầu của WHO để đánh giá tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm, gửi mẫu vaccine các lô có nghi ngờ liên quan đến phản ứng cho đơn vị kiểm định độc lập là Viện Kiểm định Chuẩn thức quốc gia vaccine, sinh phẩm y tế Vương quốc Anh,... GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, qua kết quả đánh giá của WHO đối với tất cả các trường hợp phản ứng nặng, tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem từ năm 2010 đến nay cho thấy, trong 43 trường hợp nặng có 27 trường hợp tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vaccine Quinvaxem nhưng đều hồi phục. Các trường hợp còn lại được xác định là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccine. Từ đầu năm 2013 đến nay có 5 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem, theo đánh giá của nhóm chuyên gia hàng đầu của WHO thì đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccine. 

Cuộc họp của Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng ngày 12-6-2013, tại Geneva cũng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem, trong đó có Việt Nam. Hơn 30 chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng dự cuộc họp đã thống nhất đánh giá: không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng nặng, tử vong sau tiêm chủng với việc sử dụng vaccine Quinvaxem. 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cung cấp thêm, kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh với mẫu vaccine Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 – các lô vaccine có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đều cho thấy, các lô vaccine này đạt các yêu cầu về chất lượng. Do vậy, ngày 17-6 vừa qua, WHO đã có công thư gửi Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao khẳng định vaccine Quinvaxem đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả và khuyến cáo rằng vaccine này phù hợp để sử dụng trong các chương trình TCMR Quốc gia. 

Tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, căn cứ vào các kết luận nói trên, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng lại vaccine Quinvaxem trong thời gian tới. Dự kiến trong 1 tháng tới, vaccine này sẽ được sử dụng lại.

Tại sao các ca tai biến nặng, tử vong sau khi tiêm chủng ở Việt Nam thời gian qua lại chủ yếu xảy ra với vaccine Quinvaxem?

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh, tất cả các vaccine đều có một tỷ lệ gây phản ứng, tai biến nhất định, trong đó gặp nhiều nhất là với vaccine phòng ho gà mà vaccine 5 trong 1 Quinvaxem cũng có thành phần ho gà. Tuy nhiên từ trước đến nay, các phản ứng xảy ra sau tiêm vaccine ho gà chủ yếu là các phản ứng nhẹ, hiếm gặp các phản ứng nặng và số ca tai biến tử vong ở Việt Nam luôn thấp hơn giới hạn cho phép rất nhiều. Vaccine Quinvaxem dùng  ở Việt Nam dù được sản xuất ở Hàn Quốc nhưng thực chất Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B và hoàn tất các công đoạn đóng gói, còn thành phần DPT (phòng bạch hầu, uốn ván ho gà) sản xuất tại Đức và thành phần Hib (phòng viêm màng não mủ do vi khuẩn hib) sản xuất tại Italy.