Bỏ xử phạt xe không chính chủ, đội MBH rởm

ANTĐ - Bộ GTVT vừa hoàn thiện Dự thảo mới nhất (lần 6) Nghị định (NĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Dự thảo lần này tiếp tục giữ nguyên quan điểm, không xử phạt xe không chính chủ và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Đặc biệt, nếu dự thảo được thông qua thì hành vi không đóng phí đường bộ cũng không bị xử phạt.

Sẽ phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông

Bỏ xử phạt nhiều hành vi

Trước đó, trong Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi của Bộ GTVT từng có quy định, xử phạt hành vi điều khiển xe không chính chủ, trong đó xe máy từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và ôtô từ 6-10 triệu đồng. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc lấy ý kiến từ phía cơ quan chức năng và rộng rãi trong nhân dân, đều không nhận được sự đồng tình. 

Liên quan đến nhiều ý kiến trái chiều trên, trong hội nghị thẩm định Dự thảo NĐ 71 sửa đổi, Bộ Tư pháp đã nêu ý kiến phải xử phạt và phải đưa vào NĐ nhưng thời điểm phạt và mức phạt nên cân nhắc. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, phương tiện tham gia giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, cần phải được quản lý chặt chẽ và có chuyển quyền sở hữu thì mới có thể xác định được vi phạm qua camera. Do đó, vẫn nên quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, mức phạt nên thấp hơn mức hiện hành tại NĐ 71. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng tại Dự thảo mới lần này, Bộ GTVT vẫn cương quyết loại bỏ quy định xử phạt xe không sang tên đổi chủ ra khỏi NĐ. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ Vận tải, thành viên Ban soạn thảo NĐ 71 sửa đổi cho biết: “Bộ GTVT đã nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện, Bộ vẫn đang tiếp thu ý kiến thẩm định đó và giải trình với Bộ Tư pháp”.

Tương tự, Dự thảo NĐ 71 sửa đổi lần này cũng bỏ việc xử phạt đối với hành vi không đóng phí bảo trì đường bộ đối với các chủ phương tiện. Trong khi đó, NĐ 71 hiện nay quy định, phạt tiền từ 800.000 -1,2 triệu đồng/xe máy và ô tô từ 6-10 triệu đồng nếu không mua hoặc nộp phí cho phương tiện theo quy định. Lý do loại bỏ hành vi xử phạt này được Bộ GTVT lý giải, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc xác định hành vi này do lĩnh vực phí và lệ phí điều chỉnh hay thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ. Trước việc loại bỏ quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thu phí đường bộ đối với xe máy sẽ trở nên phức tạp và khó khăn hơn. “Hiện nay, các tỉnh, thành bắt đầu triển khai thu phí đường bộ trên xe máy. Nhưng, băn khoăn lớn nhất là chưa có chế tài. Nay, NĐ 71 sửa đổi lại bỏ nội dung xử phạt, vậy lấy gì bảo đảm để người dân đóng phí đầy đủ”, một ý kiến bày tỏ.

Phạt cả lái xe và doanh nghiệp về hộp đen

Về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, Bộ GTVT cũng bỏ, không xử phạt. Theo lý giải, việc xử phạt người đội mũ rởm là không đủ căn cứ pháp lí và không phù hợp. Nhưng, đối với các trường hợp không đội hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai thì vẫn bị phạt theo quy định hiện hành. Quan điểm này cũng đã được Bộ Công an đồng tình. Bởi, theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ chỉ xử phạt những hành vi liên quan đến mũ bảo hiểm gồm: không đội mũ; đội mũ không cài quai đúng quy cách.

Bên cạnh đó, tại Dự thảo mới nhất này cũng quy định phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, đối tượng điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá từ 0,25 - 0,4ml/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.

Một điểm mới nữa tại Dự thảo NĐ 71 sửa đổi lần 6 là quy định xử phạt cả lái xe và chủ doanh nghiệp không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc hộp đen không hoạt động, không theo quy chuẩn ban hành, không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Nếu vi phạm, người lái xe ngoài bị phạt thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày. Doanh nghiệp ngoài bị phạt vi phạm thì bị đình chỉ hoạt động đối với phương tiện đó đến khi khắc phục xong vi phạm.