Bọ xít hút máu xuất hiện ở nơi ẩm thấp, mất vệ sinh

ANTĐ - Ngày 11-6, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã ra khuyến cáo cách phòng chống bị bọ xít hút máu tấn công. Trước đó, nhiều người dân ở Hà Nội đã phản ánh đến cơ quan chức năng về việc phát hiện các ổ bọ xít hoặc bị bọ xít hút máu đốt. 

Bọ xít hút máu thường phát triển thành các ổ tại những khu vực ẩm thấp

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), mọi năm thường từ tháng 6 trở đi loại bọ xít hút máu mới xuất hiện và tấn công người nhưng năm nay, loài này xuất hiện sớm hơn. Ngay từ đầu tháng 5, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã nhận được hàng trăm cuộc gọi của các hộ dân ở Hà Nội thông báo về việc phát hiện bọ xít hút máu xuất hiện, rải rác ở khắp các quận, huyện, thậm chí ở cả một số khu chung cư cao tầng chứ không riêng gì các khu vực chật hẹp, ẩm ướt, tối tăm như trước kia. Qua giám sát đã phát hiện có những ổ bọ xít hút máu lớn với số lượng cá thể lên tới 200-300 con.

Tại các khu vực nhà dân, bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi…, đến đêm mới chui ra hoạt động nên phần lớn người bị bọ xít hút máu tấn công vào lúc nửa đêm. Đáng chú ý, khi đốt chúng tiết ra một loại chất gây tê nên người bị đốt thường không cảm nhận được gì. Thông thường thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Do đó, thời gian tới các ổ bọ xít nguy hiểm này có thể được ghi nhận nhiều hơn. 

Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng cho biết, nguyên nhân xuất hiện bọ xít hút máu chủ yếu là do môi trường chật chội, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém. Người bị bọ xít đốt có thể bị sưng, ngứa tại chỗ đốt, một số trường hợp có thể bị bội nhiễm gây viêm da. Trong khi đó, một số tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới còn chỉ ra, loài bọ xít hút máu người có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas - căn bệnh có khả năng hủy hoại tim và gây rối loạn tiêu hóa. Thông thường người bị bọ xít hút máu đốt sẽ tự khỏi sau vài ngày nếu vệ sinh sạch sẽ vết đốt nhưng cũng có nhiều trường hợp vết đốt sưng to, viêm nhiễm, nên cần đến cơ sở y tế điều trị.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa phát hiện bọ xít hút máu truyền bệnh sang người. Để tránh bị bọ xít hút máu đốt, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các nội dung sau: Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, đặc biệt là những nơi ẩm thấp. Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng. Thường xuyên nằm ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào. Khi bị bọ xít đốt nên rửa ngay bằng xà phòng, không gãi tại vết đốt. Nếu vết đốt sưng, phù nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.