Bộ TT-TT: Phim điện ảnh chiếu trên Internet cũng phải tuân thủ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Luật Điện ảnh sửa đổi cần thống nhất việc phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet là dịch vụ ứng dụng chuyên ngành thuộc lĩnh vực điện ảnh và thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ VH-TT&DL.
Phim điện ảnh chiếu trên Internet cũng phải tuân thủ các quy định

Phim điện ảnh chiếu trên Internet cũng phải tuân thủ các quy định

Nêu quan điểm về việc sửa đổi Luật Điện ảnh, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình trên nền Internet) do Bộ TT-TT quản lý chỉ là một trong rất nhiều loại dịch vụ sử dụng mạng Internet để cung cấp nội dung đến cho người dùng.

Hiện trên mạng Internet vẫn đang tồn tại các trang web, các app (ứng dụng) cung cấp phim (gồm cả miễn phí và thu tiền người xem thông qua hình thức cho thuê phim, cho mua phim) nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim, nên có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền... Để quản lý được các loại hình này, cần sửa đổi Luật điện ảnh một cách toàn diện.

Cụ thể, Cục PT-TH&TTĐT cho rằng, hướng sửa đổi Luật Điện ảnh là: Thống nhất quản lý theo 1 tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng Internet. Theo đó cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế ... Về đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh nên tập trung về Bộ VH-TT&DL.

Đối với phim phổ biến trên mạng Internet, trên dịch vụ OTT TV phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến.

Cục PT-TH&TTĐT cũng cho rằng cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm... và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo Cục PT-TH&TTĐT, năm 2014, Bộ VH-TT&DL đã thực hiện khá tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet. Điển hình là việc xử lý vi phạm phim sitcom Căn hộ số 69 phát hành trên YouTube.

Thời điểm đó, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử lý êkip làm phim Căn hộ số 69 vì đã vi phạm Luật Điện ảnh, phát hành phim chưa có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và tự ý dán nhãn 18+.

Bộ VH-TT&DL đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Thành Nam (tức Nam Cito), giám đốc sản xuất Căn hộ số 69, 10 triệu đồng - mức phạt cao nhất đối với những hành vi vi phạm Nghị định 158 của Chính phủ.

Quyết định nêu rõ, Nam Cito đã "chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng". Ngoài ra, văn bản nêu rõ, tình tiết tăng nặng là nhà sản xuất phim "vi phạm hành chính có tổ chức".

Cục PT-TH&TTĐT cũng đề nghị, để việc quản lý nội dung, dịch vụ trên mạng một cách hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, cần có sự phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành để từng bộ, ngành chủ động trong công tác quản lý, quản lý tốt lĩnh vực thuộc trách nhiệm của mình trên môi trường mạng.