Bộ trưởng y tế thị sát các bệnh viện Hà Nội: Nghịch cảnh không khó hiểu

ANTĐ - Một trạm y tế với cơ sở khang trang giữa trung tâm thị trấn nhưng 10 ngày không có một bệnh nhân, một BV 500 giường lại tập trung đến trên 400.000 thẻ BHYT một năm và gần 2.000 bệnh nhân vào khám mỗi ngày. Với thực tế đó, không quá tải BV mới là chuyện lạ!
Bộ trưởng y tế thị sát các bệnh viện Hà Nội: Nghịch cảnh không khó hiểu ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chứng kiến cảnh quá tải tại khoa Nội - bệnh viện Xanh Pôn

Trạm y tế trống không… Nằm sát ngay khu vực nội thành và giữa vùng dân cư đông đúc, Trạm y tế (TYT) thị trấn Cầu Diễn được xây dựng và cải tạo rất khang trang, rộng rãi, đạt chuẩn quốc gia. Các trang thiết bị máy móc y tế phục vụ khám chữa bệnh ban đầu được trang bị khá đầy đủ, thậm chí còn có cả một số máy móc hiện đại. Đặc biệt, hệ thống nhân lực của trạm cũng rất toàn diện, ngoài các y tá, nữ hộ sinh còn có một bác sĩ chuyên khoa 1. Vậy nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân, hầu hết là diện chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mãn tính, chỉ có 5 ca vào cấp cứu, điều trị. Ghi chép trong cuốn sổ theo dõi bệnh nhân của TYT này cho thấy, từ ngày 6-12 đến nay, nghĩa là xấp xỉ 10 ngày không có một bệnh nhân nào tới khám. Bác sĩ Đặng Thị Lan, Trưởng TYT thị trấn Cầu Diễn chia sẻ, ngoài mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu, trạm cũng rất muốn tổ chức khám chữa bệnh và điều trị ban đầu cho các bệnh nhân trên địa bàn. Khả năng của TYT về mục tiêu này hoàn toàn đáp ứng được. Vấn đề là ở chỗ người bệnh không đến, hoặc họ tìm đến các phòng khám tư xung quanh trong trường hợp bệnh nhẹ, hoặc tự vượt tuyến lên BV tuyến trên điều trị, kể cả những trường hợp đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại địa phương. Do đó, TYT chỉ hầu như làm nhiệm vụ quản lý thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ và chăm sóc người già, người bệnh mãn tính. Trên thực tế, đây cũng là tình trạng chung của đa phần TYT trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc TTYT huyện Từ Liêm cho biết, công tác khám chữa bệnh tại cộng đồng luôn được chú trọng nhưng việc thu hút bệnh nhân không hề dễ dàng. Trong năm 2011, số lần đến khám bệnh của bệnh nhân BHYT tại 16 TYT và 2 phòng khám đa khoa của huyện là 44.000 người, một con số khiêm tốn so với sự đầu tư của các cơ sở này....bệnh viện công khốn khó
Bộ trưởng y tế thị sát các bệnh viện Hà Nội: Nghịch cảnh không khó hiểu ảnh 2
Bệnh nhân phải sử dụng giường bạt để nghỉ ngơi
Ngược lại, BV Xanh Pôn là BV đa khoa hạng 1 của thành phố, có 550 giường kế hoạch nhưng luôn có đến 800 bệnh nhân nội trú, trung bình mỗi ngày tiếp đón 1.700-2.000 trường hợp vào khám, điều trị. Tại khoa Nội sáng 14-12, đã hơn 11h trưa nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân chưa đến lượt khám, thậm chí có những người lặn lội đến BV xếp số từ 5h sáng vẫn phải mòn mỏi ngồi chờ. Ngoài lượng bệnh nhân quá đông thì việc sắp xếp thiếu khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu. Bệnh nhân khi vào viện đều lấy số thứ tự tại một phòng, sau đó phải chờ rất lâu để các bác sĩ nhận hồ sơ, phân loại theo chuyên môn rồi mới chỉ định đến khám ở phòng nào. Đến lúc đó, bệnh nhân lại tiếp tục phải chờ đợi đến lượt… Mặt khác, đây cũng là BV có số đăng ký thẻ BHYT nhiều nhất ở Hà Nội với hơn 400.000 thẻ vào cuối năm 2010 và dự kiến đến hết năm 2011 vẫn còn đến 270.000 thẻ. Cơ sở chật hẹp, số giường bệnh ít, nhân lực ít nhưng số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT lại quá đông nên quá tải là tất yếu. Về điều này, qua quá trình thị sát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra rằng, bản thân BV cũng muốn… quá tải. Theo bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV, tổng thu cả năm qua của BV là 210 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ chỉ được khoảng 40 tỷ đồng, ngân sách nhà nước là 26%, còn lại là viện phí và BHYT. Mức thu quá thấp, viện phí lại chỉ được thu một phần khiến BV rơi vào tình cảnh bị “trói cả chân lẫn tay”, không có tiền để đầu tư, trang trải, nâng cao thu nhập cho cán bộ y bác sĩ. “Đó cũng là lý do khiến BV phải cố giữ số thẻ BHYT càng nhiều càng tốt vì có vậy mới có thêm nguồn thu” - Bộ trưởng Tiến đồng cảm. Muốn giảm tải được trong bối cảnh này, Bộ trưởng cho rằng BV phải áp dụng công nghệ thông tin vào khâu tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, cải cách phương thức bố trí khoa phòng khám bệnh, làm bằng được việc phân tuyến, giảm số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu chuyển xuống cho tuyến dưới…
Giảm tải bằng xây mới nhiều BV ở ngoại thành

Chiều 14-12, đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác y tế năm 2011, nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 cũng như các giải pháp chống quá tải BV. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân quá tải BV hiện là do tuyến dưới chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, số giường bệnh tăng thấp (mới đạt 14 giường/ 10.000 dân) trong khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh, nhiều BV cơ sở hạ tầng đã xuống cấp… Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, để giảm tải cho các BV lớn đóng trên địa bàn Hà Nội, về lâu dài cần xây mới các BV ở ngoại thành. Bên cạnh đó cần có lộ trình đầu tư từng bước để mở rộng các BV nhưng phải tính tới yếu tố thuận tiện giao thông để phục vụ người dân được tốt nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gợi ý thêm với ngành y tế Hà Nội về việc xem xét sử dụng những BV tuyến huyện của Hà Nội lâu nay thường hiu hắt bệnh nhân để làm BV vệ tinh cho các BV lớn nhằm giảm tải.                               
Duy Tiến