Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ án xăng giả làm lộ ra nhiều điều chứ không riêng trách nhiệm của ngành nào

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng cho rằng, vụ phát hiện đường dây làm xăng giả của Trịnh Sướng đã chỉ ra nhiều tồn tại, lỗ hổng và giải đáp được nhiều vấn đề còn thắc mắc...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước UBTVQH

Chiều 15-8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các ngành chức năng, thanh tra chuyên ngành trong việc để xảy ra nhiều vụ vi phạm lớn về hàng giả, đặc biệt là vụ làm xăng dầu giả của đại gia Trịnh Sướng.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời thêm về vụ khởi tố, điều tra đường dây làm xăng giả quy mô lớn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về vụ làm xăng dầu giả, do đây là mặt hàng thiết yếu, Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đều rất quan tâm, ban hành hàng loạt Chỉ thị, chỉ đạo, yêu cầu đảm bảo chất lượng mặt hàng này tiêu thụ trên thị trường.

Vừa qua, ngay sau khi Bộ Công an tổ chức điều tra, phát hiện đường dây làm xăng giả rất lớn của Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cũng đã cho kiểm tra và phát hiện một số vấn đề còn hạn chế trong quản lý lĩnh vực này.

Cụ thể, sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ở các địa phương còn chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là trong việc tìm ra được các kẽ hở của luật pháp trong thực thi nhiệm vụ của các đơn vị.

“Liên quan đến mặt hàng xăng giả lưu thông trên thị trường. Chúng ta đã có quy định rất cụ thể theo Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là phân công Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, kiểm tra và kiểm soát về chất lượng sản phẩm các mặt hàng xăng dầu; Quản lý thị trường cũng có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng dầu.

Tuy nhiên khi thực hiện, sự phối hợp giữa các lực lượng không đủ để phát hiện ra được các hành vi vi phạm được tổ chức một cách quy mô và tinh vi.

Ngay việc phối hợp tổ chức kiểm tra cũng không đảm bảo được hết các địa bàn do sự thiếu, kém của lực lượng chúng ta ở tất cả các địa bàn tiêu thụ” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải.

Qua vụ làm giả xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, thời điểm này, trong khi chờ đợi kết luận điều tra của Bộ Công an về vụ làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, để làm rõ trách nhiệm của các lực lượng quản lý nhà nước cũng như các lỗ hổng pháp luật ở lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã có những chấn chỉnh kịp thời.

"Đặc biệt, chúng tôi đã có những biện pháp để đảm bảo kế hoạch kiểm tra, quản lý chất lượng xăng dầu ở các địa phương phải được gắn chặt hơn nữa với trách nhiệm của tất cả lực lượng có liên quan, từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đến các địa phương" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Trả lời thêm về vụ việc này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng cấm, hàng giả hiện đang có xu hướng gia tăng, với những phương thức, thủ đoạn đa dạng.

Riêng về vụ sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng do lực lượng Công an phát hiện, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là một tổ chức sản xuất xăng giả đã nhiều năm, liên quan đến rất nhiều đối tượng, cơ quan, đồng thời phạm vi cung cấp hàng xăng giả cũng rất rộng, ở nhiều tỉnh từ miền Nam, miền Trung, thậm chí đã ra cả các tỉnh miền Bắc.

“Vừa qua, chúng ta đã ngăn chặn việc này. Về các thủ đoạn hoạt động của đường dây này ra sao, chúng tôi cũng đang điều tra, kết luận” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Người đứng đầu ngành Công an cho biết thêm, qua vụ án sản xuất xăng giả này, đã rút ra được nhiều nguyên nhân. “Tại sao vừa qua rất nhiều phương tiện giao thông như ô tô, xe máy đang đi trên đường bị bốc cháy. Chúng ta có thể giải đáp được từ vụ làm xăng giả này” – Bộ trưởng Tô Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng là ngăn chặn được hành vi vi phạm, giữ được môi trường bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chính ngạch trên phạm vi cả nước.