Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Gia đình tôi phải sử dụng nguồn nước sông Đà nhiễm bẩn trong 3 ngày"

ANTD.VN -Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước  sông Đà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố này rất hi hữu, gây tác hại hết sức nghiêm trọng tới môi trường nước, đặc biệt là nước sinh hoạt.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sau sự cố này, chúng ta phải kiểm soát, xem nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt thuỷ điện là bao nhiêu, phải chia đều cho mọi nhu cầu.

"Phải có bài toán quy hoạch sử dụng nguồn nước, có điều tra đánh giá trữ lượng nguồn nước, đồng thời cân đối nguồn nước vì xu thế khan hiếm nước có nguy cơ xảy ra trong tương lai" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh

Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Câu chuyện nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu có phải là trường hợp điển hình cho việc thiếu biện pháp bảo vệ, giám sát nguồn nước"? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải xem lại cả 2 khía cạnh:

Một là có phải trong hệ thống pháp luật hiện hành có một số quy định chồng chéo hay không?

Hai là, hiện nay việc cung cấp nước sạch không chỉ do Nhà nước mà còn được xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, ở đây vấn đề cần đặt ra là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước. 

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, là một cảnh báo đỏ về an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân. Từ đó có thể thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước hiện nay có vấn đề.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Về trách nhiệm của doanh nghiệp cấp nước sạch sông Đà, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, "rõ ràng người dân có lí do để bức xúc. Đây cũng là cảm giác của tôi vì gia đình tôi phải sử dụng nguồn nước đó trong 3 ngày. Sự việc cũng cho thấy doanh nghiệp không chú ý tới sức khoẻ của khách hàng, không lường hết hậu quả của sự việc. Việc doanh nghiệp này vẫn cấp nước cho dân khi biết nước đã nhiễm bẩn là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết"

Trước câu hỏi của phóng viên về chế tài xử lý đối với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong sự cố nước sông Đà nhiễm bẩn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi hành pháp luật. Hiện nay chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lí vi phạm của doanh nghiệp.

"Một doanh nghiệp đưa sản phẩm bẩn làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, biết nguồn nước đã nhiễm bẩn mà vẫn cung cấp cho khách hàng thì người sử dụng nước – bên kí hợp đồng có thể kiện doanh nghiệp.

Bên cạnh đó nếu nguồn nước này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân kiểu như  doanh nghiệp bán thuốc giả sẽ có nguy cơ bị xử lý hình sự. Trước hết, với những đối tượng đổ trộm dầu bẩn ra môi trường phải bị xử lí nghiêm khắc. 

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho rà soát lại toàn bộ quy định, quy trình, quy phạm quản lý  Nhà nước về cấp nước sạch đô thị.

Về phía Bộ Tài nguyên Môi trường  - cơ quan quản lý nguồn nước, Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ lưu lượng để xem xét phân bổ nguồn nước quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng nước,  trong đó những nơi sử dụng nước để cung cấp nước sạch. Bộ tuyệt đối không cho phép đầu tư nhà máy gần nơi có nguồn thải ảnh hưởng đến nguồn nước.

Trong nhiều trường hợp nước sinh hoạt phải được ưu tiên cao nhất, thậm chí dừng cung cấp nước cho thủy lợi, cho sản xuất, thủy điện…để đảm bảo cấp nước sinh hoạt - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.