Bộ trưởng Tô Lâm: "Nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân"

ANTD.VN - Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc quản lý dân cư bằng mã số định danh là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an 

 Sáng 23-5, trình bày tờ trình Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, luật được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú;

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng mã số định danh

Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Bổ sung quy định xoá đăng ký thường trú

Dự thảo luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú này để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn; quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. 

“Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin khác của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Chỉ ra một số bất cập trong việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương như luật hiện hành, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này.

Theo đó, sẽ không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. 

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều tăng 1 chương và tăng 1 điều so với Luật Cư trú hiện hành; trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều. 

Ngày 9-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trước khi đưa ra thảo luận tại hội trường một tuần sau đó. Theo dự thảo, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.