Bộ trưởng Thông tin: Kênh truyền hình Netflix có nội dung vi phạm pháp luật, xuyên tạc lịch sử, khiêu dâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tham gia chất vấn sáng 10/11, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu vấn đề, chủ thể kinh doanh kênh truyền hình trả tiền trong nước bị kiểm duyệt nội dung chặt chẽ, phải trả thuế phí đầy đủ, trong khi các kênh trả tiền nước ngoài hầu như thả nổi nội dung nên không đảm bảo công bằng.

Giải trình làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu hàng năm 9.000 tỷ đồng.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới trên mạng Internet như Netflix có khoảng 1 triệu thuê bao tại Việt Nam và doanh thu ước gần 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trong nước cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam về cấp phép, nộp phí, đóng thuế và quý I năm 2020 giảm thuê bao truyền hình truyền thống. Doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện quy định pháp luật Việt Nam, năm 2020 tăng trưởng mạng (như thuê bao của Netflix quý 1 năm nay tăng trưởng 60%). Netflix có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam như quy định về báo chí, phán ánh sai, xuyên tạc lịch sử, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy , khiêu dâm....

“Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi nghị định số 06/2016 về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghị định này Bộ đã soạn thảo xong đang trình Chính phủ xem xét.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thuế, tài chính để gắn trách nhiệm các nhà mạng cung cấp các nền tảng xuyên biên giới, đồng thời tiếp tục các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, về kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật VIệt Nam” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và có vấn đề tồn tại, liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sử hữu chung-riêng, tranh chấp về một số vấn đề khác…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số quy định pháp lý còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa tuân thủ đúng quy định, chưa rõ ràng. Có tình trạng buông lỏng quản lý. Nhiều ban quản trị chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Theo Bộ trưởng, những việc này gây ra nhiều bức xúc trên truyền thông và dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng xử lý, Hà Nội đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Đến nay, sau hàng loạt giải pháp, tình hình tranh chấp nhà chung cư đã giảm hẳn, tuy vẫn còn nhưng không còn điểm nóng gây bức xúc.

Về giải pháp sắp tới, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi Nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.