Bộ trưởng Tài chính lý giải thực trạng thu ngân sách chưa bền vững

ANTD.VN - Tại diễn đàn Quốc hội, thừa nhận thu ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thực trạng này có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng

Thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đánh giá mức tăng trưởng GDP và thu ngân sách 2 năm 2018, 2019 đáng khích khích lệ khi mức thu vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, cơ cấu thu chưa bền vững khi tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%, còn các khoản tăng thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh. Đặc biệt, thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch. 

"Điều này cho thấy thu ngân sách từ thực chất nội lực của nền kinh tế còn thấp", ông Tùng nhấn mạnh.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thực trạng thu ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

“Ở đây có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán. Mấy năm qua do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh. Năm 2018, chúng tôi đã báo cáo Quốc hội và đã được từng bước điều chỉnh sát hơn so với thực tiễn”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, thu ngân sách nhà nước 4 năm qua đều vượt dự toán, các chỉ tiêu tổng thu, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm. 

Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt thực tế là 2.150.000 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng.

Bội chi ngân sách nhà nước và các khoản vay của Chính phủ được kiểm soát tốt, nhờ đó tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa.

"Nếu như giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 chúng tôi ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP", ông Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu.

Báo cáo về công tác chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Tài chính đã thực hiện hơn 73.900 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 48.300 tỷ đồng.

Trong đó, thu nộp vào ngân sách nhà nước 14.800 tỷ đồng, kiến nghị tài chính khác là 33.000 tỷ đồng, riêng số giảm lỗ là 29.900 tỷ đồng, số thực nộp vào ngân sách nhà nước 10.300 tỷ đồng.