Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên bị xử bắn là “tin vịt”?

ANTĐ - Các chuyên gia phân tích chính trị thế giới đang nghi ngờ tính xác thực của thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Triều Tiên bị hành quyết do truyền thông Hàn Quốc công bố.

Vừa qua, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin của cơ quan tình báo nước này cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên Hyon Yong-chol đã bị xử tử vì tội ngủ gật trong một sự kiện quân sự có sự tham dự của nhà lãnh đạo đất nước Kim Jong-un, trước đó, ông này được cho là cũng thường xuyên nói lại người đứng đầu đất nước.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, ông Hyon Yong-chol bị xử bắn bằng một khẩu súng phòng không, tại một trường đào tạo quân sự ở Bình Nhưỡng.
Có tin nói vụ xử tử ông Hyon Yong-chol diễn ra vào thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoãn chuyến thăm tới Nga, dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít vừa qua.

Một nguồn tin khác lại cho rằng, ông Hyon Yong-chol đã bị bắt giam vì không đạt thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-300 trong chuyến công tác tới Moskva vào cuối tháng 4 vừa qua, với tư cách đại diện của ông Kim Jong-un.

Tất cả các nguồn tin trên đều xuất phát từ Hàn Quốc với nguồn được dẫn là “Thông tin được nêu trong một cuộc họp báo tại trụ sở cơ quan tình báo Hàn Quốc” cũng như đã “được báo cáo trước các nghị sĩ Quốc hội trong một phiên họp kín”.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của đài Sputnik, nhà Đông phương học Georgy Toloraya, một chuyên gia về Triều Tiên đã đặt câu hỏi nghi ngờ độ tin cậy của thông tin mà các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã công bố.

“Theo tôi nghĩ, đây là sự phỏng đoán của các chuyên gia "rỗi hơi, không có việc gì để làm". Nếu ông ấy bị xử tử chỉ vì ngủ gật thì không phải là hình phạt tương xứng. Còn về chuyện mua S-300, ông Hyon Yong-chol không tiếp xúc với những nhân vật có khả năng quyết định vấn đề như vậy trong chuyến thăm Moscow”.

Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên Hyon Yong-chol

Hơn nữa, đặt vấn đề mua bán S-300 giữa Nga và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên vào sự kiện này là sự liên tưởng khá kỳ quặc, vì Moscow tham gia các biện pháp cấm cung cấp vũ khí cho Bình Nhưỡng, những đề xuất kiểu như vậy hoàn toàn vô nghĩa, nên chẳng có gì đáng để trừng phạt ông Hyon về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đài Sputnik là thông tin xuất hiện liên quan đến chuyện gì? Vì sao các phương tiện truyền thông Hàn Quốc gần như chỉ vào Nga như người có lỗi trong cái chết của ông Hyun Yong-chol, vị chuyên gia này cho rằng, đó chỉ là sự phỏng đoán thêu dệt, nhằm đổ tội cho Moscow, hay gây hiềm khích giữa Nga và Triều Tiên.

Trước hết phải kiểm tra sự thật về vụ hành quyết, có thể đây chỉ là những thông tin “thất thiệt”. Trên thực tế nhiều người tưởng như bị xử tử ở Triều Tiên sau đó đột nhiên đã hồi sinh. Ví dụ như vụ truyền thông Hàn Quốc thêu dệt về cái chết của người cô ruột của ông Kim Jong-un - bà Kim Kyong-hui.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề ở Triều Tiên hiện có dấu hiệu gia tăng căng thẳng tranh giành quyền lực hoặc xích mích giữa ông Kim Jong-un và các nhà lãnh đạo quân sự hay không, chuyên gia Georgy Toloraya khẳng định là không hề có những dấu hiệu này.

Những thông tin đồn thổi về các vụ thanh trừng, xử bắn, bắt bớ có thể xuất phát từ một chiến dịch chống Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng “bế quan tỏa cảng” về thông tin hoặc không thèm cải chính nên chúng càng khó kiểm chứng.

Rất có thể những nhân vật này chỉ bị bắt giữ hay cấm chế, quản thúc vì những lí do khác xa với sự thêu dệt của các phương tiện truyền thông Mỹ-Hàn Quốc, nhằm mục đích xây dựng hình ảnh một Triều Tiên “mất dân chủ, nhân quyền” và một lãnh tụ Kim Jong-un chuyên quyền, độc đoán.