Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về thí điểm bỏ biên chế giáo viên

ANTD.VN - "Chúng tôi sẽ thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Sáng 9-6, tham gia thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu đề cập các vấn đề liên quan giáo dục đào tạo (GD-ĐT) đang được xã hội quan tâm như nạn bạo lực học đường, chủ trương chuyển giáo viên từ công chức viên chức sang hợp đồng… 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (ĐBQH đoàn Quảng Ninh) cho biết cử tri rất quan tâm tới cải cách giáo dục, bởi: "Giáo dục là quy trình công nghiệp đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra là con người, quá trình vận hành cũng là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải hứng chịu". 

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu

Đưa ra thống kê trong một năm học, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ/ngày, cứ trên 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng tình trạng bạo lực học đường đã xảy ra nóng bỏng trên khắp cả nước, mức độ nghiêm trọng ngày một tăng. “Tôi đề nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo các bộ ngành đưa ra biện pháp hạn chế suy thoái đạo đức, lối sống trong đó có bạo lực học đường”, đại biểu Phương Hoa nói.

Phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Về bạo lực học đường, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông. Bộ cũng đang phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên. Đồng thời có văn bản với các địa phương, bộ ngành liên quan để cùng phối hợp, giảm thiểu tình trạng này".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu nêu

Đối với giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã tăng cường các chế độ chính sách, rà soát chế độ, đồng thời tiến tới xóa bỏ đăng ký thi đua và một số quy định trước đó dẫn đến bệnh hình thức, thiếu thực chất.

Liên quan đến việc chuyển đổi giáo viên từ biên chế sang hợp đồng đang được dư luận quan tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá chế độ công chức, viên chức như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.

Trong đó rõ nhất là việc tuyển dụng, do công chức viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là phổ thông, việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu môn học, đặc biệt là chuyên môn, dẫn đến tình trạng thừa-thiếu cục bộ. Mặt khác, tâm lý giáo viên vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng nhu cầu đổi mới cho dạy chương trình mới, khiến chất lượng giáo dục không được nâng cao.

"Vì vậy chúng tôi mới nghiên cứu, đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm, quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lộ trình, thực hiện căn cơ", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.