Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD chi phí làm sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tham gia chất vấn tại hội trường sáng 6/11, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kinh phí sử dụng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn…

Bộ GD&ĐT trả lại ngân sách 29,7 triệu USD phí làm SGK

Giải trình làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chi phí xây dựng chương trình, SGK đến nay Bộ GD&ĐT không sử dụng khoản ODA của Ngân hàng Thế giới (hơn 16 triệu USD) dùng để biên soạn SGK theo Nghị quyết 122 của Quốc hội như kế hoạch ban đầu.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, trừ trường hợp không có bộ sách nào thì Bộ sẽ tổ chức biên soạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với xây dựng chương trình giáo dục mới thì đã chi tiêu khoảng 12 triệu USD. Sau khi rà soát loại trừ những hoạt động, chi phí không thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) về nguyên nhân Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực thi hành 5 năm, Bộ trưởng đã hứa tháng 9/2020 sẽ ban hành hướng dẫn về khối lượng văn hóa dạy trong các trường nghề nhưng nay vẫn chưa có, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo tính toán phù hợp.

Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì các trường nghề được dạy văn hóa. Bộ đã thảo luận với Bộ LĐTB&XH về vấn đề này, hiện đã xong dự thảo thông tư, cuối năm nay dự kiến ban hành vì còn nhiều nội dung cần đối chiếu để tránh chồng chéo.

Hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí

Làm rõ phần chất vấn của Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa- Vũng Tàu) về quy hoạch báo chí đến 2025, kết quả thực hiện và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ký quy hoạch.

Tháng 6/2019 Bộ đã có kế hoạch triển khai. Từ tháng 8, Bộ đã cùng ban Tuyên giáo làm việc với từng cơ quan báo chí, mỗi cơ quan nhiều lần. Tháng 6/202 Bộ TT&TT đã có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là đối với các hội, có 33 tổ chức hội ở trung ương cơ quan báo, tạp chí thuộc diện quy hoạc đã xong. Đơn vị cuối cùng là Liên hiệp các hiệp hội KHKT đã ký hôm nay.

Đối với quy hoạch báo chí ở các bộ ngành, có 13/29 bộ ngành đã triển khai quy hoạch. Đến nay còn 2 cơ quan đã có phương quy hoạch nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép. Đối với quy hoạch báo chí địa phương có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch. Nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép. Theo lộ trình hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí.

"Sau quy hoạch sẽ còn nhiều việc khác như phát triển bào chí, xây dựng cơ quan báo chỉ chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tham gia chất vấn, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam có bị chậm so với các nước không và hiệu quả đầu tư?

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta làm mạng 5G không chậm, năm 2019 thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 thử nghiệm thương mại và 2021 triển khai diện rộng.

Mạng 5G được triển khai theo pha trước hết ở thành phố lớn, khu đông người, khu công nghiệp, trường đại học, dựa trên hạ tầng mạng 4G. Bộ đã đề nghị DN xây dựng phương án về dùng chung cơ sở và thiết bị. Làm mạng 5G đồng thời tắt mạng 2G, 3G. Khi triển khai diện rộng sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam sản xuất.