Bộ trưởng nông nghiệp: "Không có lý gì chỉ tập trung ăn thịt lợn"

ANTD.VN -Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, trong đó có việc bình ổn giá thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, "không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra"...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giá lợn cao là do dịch tả lợn châu Phi vô cùng nguy hiểm làm tổng đàn lợn toàn thế giới giảm 12%, kéo theo hệ lụy thực phẩm khủng hoảng. Dù chúng ta rất cố gắng, nhưng với thiệt hại gần 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, về lượng giảm 20%, về khối lượng giảm 9,6% trên tổng số 3,8 triệu tấn thịt lợn chính là nguyên nhân cơ bản gây lên biến động giá.

"Quy luật cung cầu không gặp nhau dẫn đến giá thịt lợn tăng. Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung đẩy nhanh hơn quá trình khôi phục đàn lợn, tái đàn" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn cho biết, từ tháng 3/2019, chúng ta đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác như đàn gà, trứng, thủy sản. Cuối 2019 ngành nông nghiệp đã bù đắp 760.000 tấn nên không bị thiếu thực phẩm. Song do lợn chết dịch nhiều nên theo lộ trình đến quý 4 năm nay,  số lượng lợn mới đạt 31 triệu con ngang bằng với trước khi xảy ra dịch.

Theo Bộ trưởng, giá lợn giống hiện nay rất đắt và cần cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Bộ đã đề nghị 15 doanh nghiệp lớn về nông nghiệp không chỉ lo giống cho mình mà phải cung cấp giống cho người dân. Nhà nước đã hỗ trợ thiệt hại trên 25.000 đồng/1kg khi lợn bị  dịch. Ngoài ra, phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng.

“Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, Bộ trưởng nói.

Kết luận vấn đề, ông nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp để giá thịt lợn không còn cao gồm tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. “Từng bước cố gắng để giá thịt lợn xuống mức hợp lý, làm sao cung cầu càng gặp nhau sớm, giá càng phù hợp nhất”, Bộ trưởng Cường phát biểu.

Không đồng tình với giải trình trên, Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao là do mệnh lệnh hành chính chưa hiệu quả. “Không thể nói thịt lợn đắt chuyển qua ăn thịt khác hoặc trứng. Đề nghị Bộ trưởng xem lại các giải pháp đã thực hiện” – Đại biểu Giang nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng dẫn chứng, thực tế hộ chăn nuôi nuôi cho các cơ sở kinh doanh, giết mổ chỉ được 4000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi lợn trực tiếp không được nhiều, người tiêu dùng lại phải mua thịt với giá cao, tư thương trung gian làm giá thịt lợn không giảm, trong khi đó lại phát sinh hiện tượng nhập lậu thịt từ đường biên giới.