Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống cho báo chí

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống cho báo chí chính là biện pháp ngăn chặn luồng thông tin đồn thổi, độc hại.

“Lúa tốt thì sẽ không còn cỏ dại”

Chiều nay (20/11), vị trưởng ngành thứ 3 đăng đàn, trả lời câu hỏi chất vấn của các vị ĐBQH là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son

 

(Ảnh chụp màn hình)

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt câu hỏi: Các trang tin trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều, đăng rất nhiều tin "hot", giật gân câu khách, tin trái thuần phong mỹ tục... trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT về vấn đề này ra sao? Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cũng có câu hỏi tương tự: Dù không cho phép nhưng hiện nay nhiều trang báo "lá cải" đã xuất hiện, xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm về vấn đề này? Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì truy tìm nguyên nhân việc: Thời gian qua có một số sự kiện xảy ra tại các địa phương, khi báo chính thống và báo trong nước chưa đăng, thì các trang mạng đã tràn lan thông tin, khiến dư luận đồn thổi.

Trả lời chung những câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện trên internet có rất nhiều loại hình, như báo điện tử, trang tin, trang thông tin nội bộ, blog... gọi chung là truyền thông xã hội. Những loại hình này có ưu điểm nhanh nhạy thông tin, nhưng mặt trái là thiếu kiểm chứng, nên có thông tin gây thất thiệt, bị một số phần tử xấu lợi đưa tin lừa đảo cả về kinh tế, thậm chí cả về chính trị, bóp méo lịch sử, chia rẽ khối đại đoạn kết dân tộc. 

Ít nhất 2 lần, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắc đến việc các địa phương, tổ chức, cơ quan đoàn thể... cần đẩy mạnh việc hợp tác, cung cấp kịp thời tới báo chí thông tin chính thống như một biện pháp đẩy lùi những luồn tin đồn thổi, báo "lá cải". Khẳng định một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ nghị định số 25 của Chính phủ về việc này, ông nói: Cần đảm nhiệm tốt việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, có như vậy thông tin mới kịp thời và chính xác, chính thống trên môi trường mạng, có tác dụng định hướng dẫn dắt thông tin số đông. Nếu thông tin sai thì cần có người phát ngôn lên tiếng, ngăn chặn việc thông tin sai lại bị sao chép, phát tán tràn lan. Có thông tin tốt sẽ đẩy lùi thông tin xấu trên trang mạng, “lúa tốt thì sẽ không còn cỏ dại”.

Phóng viên các báo, đài PT-TH tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, việc chậm cung cấp thông tin cho báo chí từ các cơ quan hữu quan cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc khi có sự kiện, báo chí chính thống và báo trong nước chưa đăng, thì các trang mạng nước ngoài đã tràn lan thông tin đồn thổi, như đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu. Ngoài ra nguyên nhân thứ 2 được ông lý giải: Các trang mạng không cần kiểm chứng, cứ thế đưa thông tin lên, trong khi báo điện tử chính thống thì phải kiểm tra lại theo quy định (chưa nói đến báo giấy, hay truyền hình) nên cũng bị chậm hơn.

Việt Nam có mạng 4G vào năm 2015

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt vấn đề thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm việc các nhà mạng đã tăng cước 3G, song chất lượng lại không song hành. Ngoài ra nữ đại biểu muốn biết bao giờ Việt Nam sẽ triển khai mạng 4G.

Việc này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, thị trường 3G Việt Nam phát triển mạnh trong nhiều năm qua, tuy nhiên giá cước trong thời gian dài chưa tăng (từ 2010), thấp hơn giá cước thế giới rất nhiều. Vì thế ông cho rằng, việc tăng giá cước 3G lên là phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với cam kết quốc tế “không được cung cấp dịch vụ dưới giá thành” và bình thường trong cơ chế thị trường. 

Dù vậy ông thừa nhận, đúng là chất lượng mạng 3G hiện chưa cao: "Dù các nhà mạng đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD nhưng giá cước thấp suốt thời gian qua nên chưa có điều kiện để nâng cấp hệ thống. Trong khi đó người dùng càng ngày càng đông, tăng giá cước là cũng góp phần tăng chất lượng mạng 3G".

Về mạng 4G, bộ trưởng cho biết thực tế hiện nay theo tổ chức Liên minh viễn thông thế giới thì mới gọi là “tiền 4G”. Cùng với Thái Lan, Việt Nam dự kiến sẽ ứng dụng mạng 4G vào khoảng năm 2015.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị bộ trưởng xem xét lại quy hoạch cũng như chất lượng các cột truyền dẫn, phát sóng thông tin PT-TH do thời gian qua bị gẫy đổ nhiều. Về việc này Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thẳng thắng: Hầu như tất cả các cột phát sóng PT-TH của chúng ta chất lượng chưa tốt, dẫn đến bị gẫy đổ trong bão như đã xảy ra ở Nam Định, Quảng Ninh. Tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu và sẽ chấn chỉnh trong thời gian tới. Hà Nội mới xây một cột truyền hình cao trên 200m, rất hiện đại, chúng ta cần đảm bảo cột phát sóng TP-TH phải an toàn trong mọi điều kiện thời tiết. Tới đây cần xây dựng quy hoạch cho hợp lý, đạt mỹ quan và tiêu chí an toàn.