Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Không tổ chức HĐND phường là yêu cầu đổi mới chứ không phải HĐND kém hiệu quả

ANTD.VN - Bỏ HĐND phường ở Hà Nội có vi hiến không? - “Xin báo cáo là không thể Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và Chính phủ trình Quốc hội một nghị quyết trái với Hiến pháp” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo trước Quốc hội

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 14-11, một số ĐBQH bày tỏ băn khoăn về cơ sở pháp lý của dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội. Chẳng hạn, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Hiến pháp quy định phường là một đơn vị hành chính, chính quyền địa phương gồm UBND và HĐND. “Nếu ở phường không có HĐND thì chỉ có nửa chính quyền thôi”.

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự thảo Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có những phân tích rất cụ thể, rõ ràng về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Nghị quyết kể trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nếu nói về cơ sở chính trị thì chúng ta có Nghị quyết 18 của Quốc hội về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Kết luận số 46 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rất rõ về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã của thành phố Hà Nội.

Về cơ sở pháp lý, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ cũng như điểm b khoản 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật đã quy định, đó là Quốc hội được ban hành những Nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có trong luật điều chỉnh hoặc khác với các luật hiện hành.

“Chúng tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là không thể Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và Chính phủ trình Quốc hội một nghị quyết trái với Hiến pháp. Cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị thì chúng tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ và qua nhiều hội thảo thì thấy trường hợp này không vi hiến” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo dự thảo nghị quyết về việc không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội thì đây là việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội theo mô hình 2 cấp chính quyền ở các quận, thị xã.

Có nghĩa, sẽ chỉ còn có mô hình về chính quyền đô thị của cấp thành phố - quận là cấp chính quyền, còn phường không phải là cấp chính quyền mà là đơn vị hành chính trực thuộc của cơ quan hành chính cấp trên, đó là của cấp quận và của thị xã. “Thế nên chúng ta không thể dùng từ bỏ HĐND phường, chỉ là tổ chức lại theo mô hình 2 cấp chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội là của thành phố và của quận.

Như một số ĐB cũng nói, do việc tổ chức hoạt động của HĐND không có hiệu quả nên không tổ chức HĐND. Tôi khẳng định, trong toàn bộ đề án này và trong báo cáo không có câu nào nói là hoạt động của HĐND cấp phường không hiệu quả, mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại mô hình của chính quyền đô thị. Chúng ta nên tổ chức thí điểm lại chứ không phải vì chỗ nói là HĐND hoạt động không hiệu quả nên thôi bỏ” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ.

"Ở đây chúng ta phải thống nhất một ý chung là các đơn vị hành chính ở nước ta đều phải có chính quyền địa phương, nhưng cấp chính quyền địa phương phải bao gồm cả HĐND và UBND, còn nơi nào không phải là tổ chức cấp chính quyền địa phương có thể là UBND hay chính quyền chỉ có một cơ quan hành chính.

Theo đó, thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của cơ quan này phải có sự mới, nếu như chúng ta thông qua Nghị quyết này phải có cách khác chứ không phải như cấp phường hiện nay.

Một ý nữa, nếu Quốc hội đồng ý thông qua được nghị quyết này tại kỳ họp này mới bảo đảm cho Hà Nội để triển khai tinh thần chuẩn bị cho bầu cử ở cơ sở và tổ chức chính quyền mới theo cái này. Nếu không thông qua được nghị quyết này thì việc tổ chức đại hội ở cơ sở sẽ không thực hiện được theo tinh thần mới này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu