Bộ trưởng Giáo dục kêu gọi nâng cao đạo đức nhà giáo, xây dựng trường học hạnh phúc

ANTD.VN - Trước hàng loạt các vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, ngày 22-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo chung tay xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Bộ GD-ĐT phát động kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo tại trường THPT Phan Huy Chú

Ngày 22-4, Bộ GD-ĐT chính thức được phát động Kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới do Công đoàn giáo dục Việt Nam trong các trường học xây dựng.

Theo đó, Công đoàn GDVN đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ NGNLĐ có kỹ năng ứng xử sư phạm, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp

Các cuộc đối thoại, giải đáp, chia sẻ với cán bộ, NGNLĐ trên Website, facebook và fanpage CĐGD Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác sẽ được tổ chức thường xuyên.

Các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm được coi là một trong những giải pháp để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở mỗi cấp học, bậc học, ở khối các trường sư phạm; Mời chuyên gia tư vấn nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của NGNLĐ trong lao động nghề nghiệp.

Đặc biệt, cẩm nang “Xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường” trên cơ sở tổng hợp những tình huống thực tiễn và ý kiến tư vấn của chuyên gia làm tài liệu hỗ trợ NGNLĐ trong ứng xử sư phạm sẽ được cấp cho NGNLĐ.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo trên cả nước chú trọng tự trang bị và giúp đồng nghiệp hiểu sâu sắc về trách nhiệm, quyền hạn của mình để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đúng quy định.

Bộ trưởng yêu cầu NGNLĐ không ngừng tự học tập, tự rèn luyện và hỗ trợ đồng nghiệp cùng học tập rèn luyện, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ để vững vàng hơn khi đối mặt và xử lý những tình huống sư phạm, tình huống xã hội diễn ra trong và ngoài nhà trường đang diễn ra ngày càng phong phú trong và ngoài nhà trường, mỗi nhà giáo hãy biến những khó khăn thử thách trong lao động nghề nghiệp trở thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, trước đồng nghiệp và học trò; cùng lao động và cống hiến vì vinh quang nghề nghiệp, vì niềm tin của xã hội.

Trươc yêu cầu này, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa Hà Xuân Nhâm cho rằng, trường học phải là nơi giáo viên muốn đến để cống hiến, học sinh muốn đến để tận hưởng tinh hoa tri thức. Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu trường học mang đến cho giáo viên và học sinh niềm hạnh phúc.

“Bản thân các nhà trường đang hướng tới sự hạnh phúc đúng nghĩa. Tuy nhiên, giải pháp cho môi trường học tập hạnh phúc hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hành vi và nguồn năng lượng từ giáo viên – thành tố quan trọng trong các nhà trường.

Tập thể giáo viên trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cũng như các trường học trên cả nước mong muốn được tiếp cận với mô hình “Trường học hạnh phúc” một cách sâu sắc, bài bản, coi đó là công cụ hữu hiệu trong quá trình đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay” – ông Nhâm chia sẻ.