Bộ trưởng Đào Ngọc Dung muốn "từ nay không dùng khái niệm xuất khẩu lao động"

ANTD.VN - Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị, từ nay trở đi không nên dùng khái niệm “xuất khẩu lao động”, đồng thời cần đẩy mạnh “ngành công nghiệp” này…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trước Quốc hội chiều 17-6

Chiều nay, 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phát biểu giải trình, làm rõ hơn một số ý kiến ĐBQH nêu ra vào cuối phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở nước ta thời gian qua phát triển tương đối nhanh.

Hiện nay cả nước có khoảng 580.000 người đang lao động ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm lại có khoảng hơn 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc cho nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Chúng ta đang tham gia vào thị trường của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

“Philippines người ta coi đây là một ngành công nghiệp và đào tạo rất cơ bản. Hiện nay Philippines bình quân một năm có khoảng 1 triệu người tham gia. Thu nhập bình quân của Philippines về ngân sách khoảng 20 tỷ USD một năm. Còn ở nước ta, theo con số tôi mới nắm được chính xác nhất là xấp xỉ 5 tỷ USD. Tỉnh thu nhập nhiều nhất từ nguồn lao động nước ngoài về xấp xỉ 300 triệu USD/năm” – Bộ trưởng Dung nói.

Vấn đề đáng báo động hiện nay vẫn tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài sau đó bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp, nhất là ở Hàn Quốc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lúc cao điểm tình trạng lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc lên tới 56%.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn phát biểu thảo luận

Sau khi chúng ta giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, kể cả phía Việt Nam và phía Hàn Quốc cùng vào cuộc quyết liệt, thì đến nay tỷ lệ lao động bỏ trốn chỉ còn 24%, thấp hơn mức mà nước ta cam kết với Hàn Quốc (là 30%) và thấp hơn rất nhiều quốc gia khác, đây là một điều rất đáng mừng.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, tình trạng môi giới đưa người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, tình trạng lao động hết hạn trốn ở lại vi phạm hợp đồng, dù đã được chấn chỉnh rất nhiều song vẫn còn nhức nhối ở một số địa phương. Riêng Bộ LĐ-TB&XH vừa qua đã xem xét xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau hoạt động ở lĩnh vực này.

Nói thêm về một vấn đề chuyên môn liên quan đến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Qua luật này, chúng tôi rất muốn Quốc hội ủng hộ, đó là từ nay trở đi chúng ta không dùng khái niệm “xuất khẩu lao động” mà chúng ta sử dụng từ trong luật điều chỉnh”.

Trước đó, góp ý vào dự thảo luật này, nhiều ĐBQH đề nghị Luật cần đưa ra các quy định mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là phải ngăn chặn tình trạng đưa người đi “lao động chui” để tránh những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra gần đây.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn lại vụ việc thương tâm khi 39 lao động Việt Nam chết trong thùng xe tải ở Anh vào năm 2019, cũng như “gần đây có một cuốn sách mang tựa đề “Đừng chết ở Ả Rập Xê Út” của một người lao động theo hợp đồng”, từ đó đề nghị sửa đổi luật lần này cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ lao động ở nước ngoài.

Hay ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị trong dự luật này cần quy định rõ hơn các chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước…