Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Đã chủ động có ý kiến về kết quả xét xử vụ Nguyễn Khắc Thủy"

ANTD.VN -Tiếp tục tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung về tình trạng xâm hại trẻ em chiều 5-6, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu vấn đề: “Người xưa có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, có vụ việc xâm hại xảy ra ở Cà Mau, nạn nhân nói không ai nghe, đến khi cháu bé tự tử mới khởi tố vụ án. Hiện có tới 17 cơ quan phụ trách vấn đề này nhưng các gia đình dường như rất đơn độc”…

Nhiều vụ việc còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, chúng ta đã có hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ để đảm bảo quyền lợi cho các em, từ Luật Trẻ em đến Nghị định 61/NĐ-CP, Nghị định 56/NĐ-CP.... Sự phân công công việc để bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng khá thống nhất. Luật Trẻ em quy định rõ, Bộ Công an hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em và tội phạm liên quan đến trẻ em. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước, Bộ LĐ,TB&XH là cơ quan trực tiếp quản lý Nhà nước về trẻ em. Viện KSND, TAND…tiến hành các biện pháp tư pháp cho trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Quốc hội 

Tuy vậy, thời gian qua có một số vụ việc còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm, có vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao mới tiến hành. Với trách nhiệm là cơ quan Nhà nước quản lý vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị các cấp, các ngành cần đánh giá lại hoạt động của mình.

 “Hầu như những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng Bộ LĐ,TB&XH đều chủ động có ý kiến. Nhiều vụ việc tôi đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Ví dụ vụ Nguyễn Khắc Thủy, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, tôi đã trao đổi với Viện trưởng Viện KSNDTC và Chánh án TAND tối cao nói rõ quan điểm không đồng tình với kết quả xét xử và đề nghị 2 cơ quan xem xét lại để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.  Ý kiến này đã được ghi nhận. Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao đã hủy bản án phúc thẩm xử án treo cho ông Nguyễn Khắc Thủy, giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, phạt ông Thủy 3 năm tù. Hay vụ Minh béo sau khi về nước vẫn hoạt động nghệ thuật bình thường, Bộ cũng đã có ý kiến. Như vậy không phải Bộ không lên tiếng, cách lên tiếng tùy từng vụ việc, có vụ thông báo với báo chí, có vụ báo cáo cấp cao, có vụ trực tiếp trao đổi với địa phương” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.

6 tháng truy tố 753 vụ xâm hại trẻ em

Cùng tham gia giải trình về nội dung này, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, đây là vấn đề hết sức gây bức xúc trong xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã truy tố 753 vụ, tương ứng 805 bị can. Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, để xử lý vấn đề này cần bảo đảm tính đồng bộ từ quyết tâm chính trị, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, dư luận xã hội lên án, xét xử lý nghiêm minh kịp thời các đối tượng xâm hại trẻ em.

Viện trưởng cho biết, tháng 12/2017, Bộ Công an, VKSNDTC và một số bộ ngành đã phối hợp ban hành thông tư liên tịch về việc phối hợp trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em; đang hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch xử lý đối tượng xâm hại trẻ em dưới 18 tuổi;...

Còn theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, không ai mong muốn xảy ra tội phạm này, tuy nhiên, nếu xảy ra phải giải quyết triệt để. Theo thống kê từ năm 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8100 tội phạm liên quan xâm hại tình dục trẻ em, với 5 tội danh khác nhau, trả hồ sơ 549 vụ (tương đương 6%), các vụ xét xử đúng người đúng tội khoảng 93%.

Dù số vụ phải  trả hồ sơ, hủy sửa số lượng không nhiều (6%) nhưng gây bức xúc trong xã hội. Đây là các vụ việc không khó khăn trong quá trình xét xử, nhưng gặp nhiều khó khăn trong điều tra, thu thập chứng cứ xét xử,  vì đây là các vụ việc truy xét không có người làm chứng, xảy ra khá lâu, gia đình ngại khai báo, không hợp tác, gây khó khăn cho điều tra, truy tố, xét xử do tâm lý xã hội.

Về giải pháp, Chánh án TANDTC cho biết, các cơ quan  tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, đưa hơn 90% số vụ ra xét xử đúng người, đúng tội. Tòa án đã ban hành nhiều hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng những bộ giáo trình riêng để tập huấn xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn về tội phạm này... Đồng thời thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, tập huấn cho hơn 6000 thẩm phán; thực hiện quy trình tố tụng thân thiện đối với người bị hại là trẻ em; yêu cầu các tòa địa phương hình thành tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên;...