Phát ngôn “đa số thực phẩm an toàn nhưng nhân dân không biết...”:

Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi vì lỡ lời

ANTĐ - Xin lỗi người dân về câu trả lời gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng thời cam kết từ nay đến cuối năm cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, hay tình trạng buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới…

Trong khi thực phẩm không an toàn đang bủa vây người tiêu dùng, len lỏi vào từng bữa ăn hàng ngày thì tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lại cho rằng:  “đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”, khiến dư luận bất bình (Báo An ninh Thủ đô đã có bài phản ánh). Chiều 3-4, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức xin lỗi người dân về phát ngôn trên.

Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi vì lỡ lời ảnh 1Thực phẩm mất an toàn “bao vây” bữa cơm hàng ngày của người dân

Hóa chất độc hại len vào mâm cơm

Người tiêu dùng còn chưa vơi nỗi lo nông, lâm thủy sản bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ biên giới tràn về thì lại phải đối mặt với nỗi lo thực phẩm sản xuất trong nước cũng chứa đầy hóa chất, từ khâu sản xuất, đến giết mổ và phân phối. Trong bữa cơm hàng ngày, người tiêu dùng chua chát nói với nhau: “không ăn thì chết luôn, ăn thì chết từ từ”. Nói vậy để thấy, tình trạng thực phẩm mất an toàn đã ở mức báo động. Đáng nói, tình trạng mất ATTP phần lớn do người Việt tự đầu độc mình.

Nổi cộm hiện nay là tình trạng người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc salbutamol, đây là một trong những hoạt chất tồn dư rất lâu trong thịt lợn và tích tụ dần trong cơ thể người, có thể gây ung thư, bệnh tật. Nhiều năm nay, người chăn nuôi trong nước đã rỉ tai nhau hoặc được thương lái “gợi ý” dùng hoạt chất này để vỗ béo, “làm đẹp” con lợn trước khi xuất chuồng. Những vụ việc đã được lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra và phát hiện thời gian gần đây chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm. Không chỉ dùng salbutamol, vì ham lợi nhuận, người chăn nuôi còn cố tình đưa những loại phẩm màu, hóa chất công nghiệp vào chăn nuôi như vàng ô (VAT Yellow, một loại ve để quét tường) hay hoạt chất auramin - một loại thuốc nhuộm công nghiệp trộn vào thức ăn cho gia cầm. Đó còn chưa kể, tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong chăn nuôi cũng gây tác hại khôn lường tới con người.

Ở khâu giết mổ, ngày 23-3 vừa qua, Chi cục Thú y Bình Dương đã bất ngờ kiểm tra một trang trại lớn ở phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát và phát hiện hơn 200 con lợn đã được bơm nước và tiêm thuốc an thần đang say thuốc, ngủ li bì. Qua khám xét trang trại này, lực lượng chức năng đã thu giữ 44 chai thuốc an thần nhãn hiệu Prozil fort đã qua sử dụng và 4 chai đang sử dụng, 1 bơm tiêm và 32 xô nước có gắn vòi dùng để bơm vào lợn. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ trang trại này đã thừa nhận hành vi vi phạm. Theo tìm hiểu, người tiêu dùng nếu thường xuyên ăn phải thịt lợn có tồn dư thuốc an thần prozil fort có nguy cơ mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Tương tự, ở khâu phân phối, muốn thịt lợn, gà tươi ngon, để được lâu mà không hư hỏng, một số tiểu thương đã tẩm ướp hàn the, hóa chất có thể gây ngộ độc cấp và mãn tính, gây trầm cảm, làm tổn thương thận, rối loạn chức năng, bất lực.

Bộ trưởng xin lỗi vì diễn đạt chưa rõ ý

Thực phẩm không an toàn đang “bao vây” người dân nên câu trả lời tại diễn đàn Quốc hội ngày 2-4 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khiến dư luận bức xúc. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã không sâu sát, không nắm chắc được tình hình thực tế. Trước phản ứng của dư luận, chiều 3-4, Bộ trưởng Cao Đức Phát thông qua cơ quan ngôn luận mong muốn gửi lời xin lỗi đến nhân dân. 

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, do thời gian phát biểu ở Quốc hội rất hạn chế nên đã diễn đạt chưa rõ ràng. “Thực ra, ý tôi muốn nói, với những số liệu chúng tôi có được cho thấy, phần lớn thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng người dân khó có thể phân biệt, không biết được đâu là thực phẩm thực sự an toàn, đâu là thực phẩm vi phạm. Để giúp người dân phân biệt được thì đấy là trách nhiệm của chúng tôi, của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Cao Đức Phát bày tỏ. 

Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua, ngành NN&PTNT đã phối hợp với 35 tỉnh xây dựng được 280 chuỗi bán thực phẩm sạch tại 549 cửa hàng, trong đó 406 cửa hàng đã có xác nhận. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phân trần: “Ý khi tôi nói “không biết” là vì thời gian gấp quá. Đáng ra, tôi phải nói là người dân không biết đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm có vi phạm. Tôi cắt mất mấy chữ đó, chứ không phải nói là “người dân không biết” về thực trạng nó như thế nào. Người dân biết và rất lo ngại”. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, không còn tình trạng buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới… 

Bày tỏ sự đồng cảm với người dân trong nỗi lo về thực phẩm mất an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Gia đình tôi cũng tiêu dùng các thực phẩm như mọi gia đình khác tại Hà Nội. Tôi cũng đi ăn ở những quán bình dân, rồi vào thăm mẹ nằm ở bệnh viện thì cũng ăn ở căng tin ở bệnh viện. Trong gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi chia sẻ, cảm nhận rất sâu sắc băn khoăn, lo lắng của người dân, nỗi đau của những gia đình có người bị ung thư. Tôi thực sự cũng muốn cố gắng để đóng góp cùng với Bộ và hệ thống chính trị đáp ứng mong đợi đó của nhân dân”.