Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn: Tiêu thụ nông sản không đến nỗi… quá u ám

ANTĐ -Đúng như nhận định, tìm đầu ra cho nông sản chính là nội dung “nóng” nhất tại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trước hội trường Quốc hội sáng 11-6, khi có rất nhiều ĐBQH tập trung chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề này.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn ĐBQH Cà Mau) hỏi: Với trách nhiệm của Bộ trưởng, đâu là giải pháp đầu ra cho nông sản, nhất là khi Việt Nam đang tiến tới hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới bằng các hiệp định thương mại song phương, đa phương? Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH Kiên Giang) hỏi: Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân về nông sản ùn ứ và làm gì để bà con yên tâm?...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đưa ra một số liệu rất thú vị khiến không ít ĐBQH cũng phải bất ngờ. “Các ĐBQH hỏi nông sản khó tiêu thụ, nuôi gì trồng gì cũng khó bán. Thực tế tình hình không đến nỗi thiếu sáng sủa như vậy. Tôi đã liên hệ với Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh nói lúa hè thu được mùa, trái cây được mùa được cả giá như cam, cam canh”.

“Tình hình chung cả nước cũng vậy, không phải mặt hàng nông sản nào cũng như hành tím, dưa hấu. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu nhiều của nước ta từ đầu năm đến nay có 5 mặt hàng xuống giá, sản lượng xuất khẩu giảm gồm gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra. Song cũng có 5 mặt hàng xuất khẩu tăng, giá tăng là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn, rau, trong đó sản lượng sắn xuất khẩu tăng đến 44%, nên chúng ta phải bình tĩnh xử lý” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trả lời thêm về giải pháp nào để tìm đầu ra cho nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường nên tìm đầu ra cho nông sản cũng phải theo cơ chế thị trường, hơn nữa chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới nên phải định hướng sản xuất theo thị trường thế giới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Bức tranh tiêu thụ nông sản không đến nỗi quá thiếu sáng sủa"

“Bản chất của thị trường thế giới luôn thay đổi nên để đạt được sự ổn định tương đối thì nông nghiệp phải bám sát, có sự nhanh nhạy với diễn biến của thị trường thế giới, không thể kỳ vọng một thị trường luôn ổn định, có giá cao mà phải tìm cách để thích ứng với thị trường”.

“Cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước chúng ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để trong mọi diễn biến thì khả năng cạnh tranh của ta vẫn cao, vẫn có thể bán được.

Hơn 20 năm qua, nông nghiệp của ta liên tục phát triển cũng là nhờ cách làm đó.
(Tiếp tục cập nhật)