Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị có biện pháp quản lý riêng với rượu thủ công

ANTD.VN -Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị phải tăng cường quản lý rượu thủ công và kiểm soát mức độ gia tăng sản lượng của rượu, bia.

Rượu tự nấu thủ công chiếm khoảng 70% sản lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có công văn số 1086/BYT-PC về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia, phù hợp với mức độ gia tăng của các nước, điều kiện thực tế của nước ta và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công. Trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (bán cho doanh nghiệp để sản xuất) và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình.

Mặt khác, cần quy định cụ thể về quản lý chất lượng rượu, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.

Cũng liên quan đến vấn đề ngộ độc rượu, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về tình hình quản lý, sản xuất và kinh doanh liên quan đến hóa chất nguy hại methanol – nguyên nhân gây ngộ độc rượu khiến hàng chục trường hợp tử vong trong tháng 3 này. Theo Bộ Công Thương, hiện nay rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70%, do đó cần quản lý chặt loại rượu này.

Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 34 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó có 9 ca tử vong.

Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, 80% lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường hiện không được dán tem thuế. Điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng, gây hệ lụy nghiêm trọng.