Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh: "Yêu cầu chấm dứt lễ hội phản cảm"

ANTĐ - Chiều 30-12, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, đồng thời triển khai mùa hội 2016. Mặc cho nền nhiệt ngoài trời xuống, dưới 15 độ C, không khí trong hội nghị bỗng dưng “nóng rẫy” chỉ sau màn phát biểu của đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, lại vẫn xung quanh chuyện: chém hay không chém lợn.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh: "Yêu cầu chấm dứt lễ hội phản cảm" ảnh 1

Sẽ chấn chỉnh những lễ hội cho phép đả thương 

Trượt danh hiệu làng văn hóa vì... chém lợn

Ông Nguyễn Hữu Hoa - Trưởng phòng Nếp sống (Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh) khẳng định, nếu đối chiếu các quy định của pháp luật, các nghị định, thông tư đã ban hành thì lễ hội chém lợn ở Ném Thượng không hề vi phạm các quy định của pháp luật. Nhắc lại lịch sử, nguồn gốc hình thành từ thời Lý, liên quan đến Tướng quân Lý Đoàn Thượng - Thành hoàng làng Ném Thượng, ông Nguyễn Hữu Hoa cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi lễ hội được khôi phục, hơn chục năm qua, lễ hội vẫn diễn ra hết sức bình thường.

Vấn đề chỉ ầm ĩ kể từ khi Tổ chức động vật châu Á có ý kiến mới nảy sinh những chuyện liên quan đến tục lệ này. Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía dư luận, trong những năm qua, UBND tỉnh, UBND TP Bắc Ninh cũng như Sở VH-TT&DL đã thực hiện công tác hướng dẫn, vận động, điều chỉnh một số nội dung trong lễ hội chém lợn. “Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định đây là lễ hội truyền thống, cần phát huy, lễ hội là của dân và vì thế cần phải bảo tồn và trả nó về cho dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học lại cho rằng, lễ hội chém lợn không phải là thứ bất biến, cần phải điều chỉnh phù hợp với xã hội hiện đại. UNESCO cũng đã khuyến cáo phải tôn trọng tính đa dạng văn hóa trong các cộng đồng dân cư” - ông Nguyễn Hữu Hoa cho biết thêm. 

Vị đại diện Sở VH-TT&DL Bắc Ninh còn chia sẻ, Bắc Ninh đã áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh, trong đó còn có cả việc cắt danh hiệu làng văn hóa của Ném Thượng dù địa phương này luôn hoàn thành tốt các quy định. Khẳng định việc tổ chức lễ hội tại Ném Thượng đã được chấn chỉnh, nhưng khi được hỏi năm nay Ném Thượng còn chém lợn nữa hay không thì ông Nguyễn Hữu Hoa cho biết: “Sẽ vận động nhân dân cố gắng chuyển vào chỗ hợp lý”.

“Phân cấp quản lý không phải để... buông lỏng”

Đó là khẳng định của ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Theo đó, công tác tổ chức lễ hội năm 2015 vừa qua đã được tiến hành thuần thục, bài bản hơn, nhưng trong nhận thức của một số địa phương về lễ hội vẫn còn khác nhau và tồn tại nhiều vấn đề. Mô hình quản lý đang mắc nhất đó là di tích và lễ hội khi thuộc sở, lúc lại thuộc UBND tỉnh, thành phố và thậm chí có di tích quốc gia được giao về phường, xã quản lý. Việc phân cấp quản lý cũng đang bộc lộ nhiều mâu thuẫn, di tích được Bộ giao cho Sở VH-TT&DL các tỉnh thành phố, từ đó tiếp tục phân cấp quản lý cho địa phương.

Phân cấp rồi nhưng vẫn phải siết chặt quản lý, chứ không phải để cho địa phương muốn làm gì thì làm. Việc gây mâu thuẫn nhất hiện nay còn là quản lý và sử dụng tiền công đức, quản lý thu nhập từ các loại hình dịch vụ. Nội dung của lễ hội đương nhiên tốt, nhưng cái khó là sự thương mại hóa đã ảnh hưởng nhiều đến nội dung của hoạt động này.

Trong một số văn bản quản lý nhà nước có yêu cầu phải “minh bạch tiền công đức” nhưng minh bạch thế nào và làm cách nào để minh bạch lại chưa nói rõ. Hiện tại trên địa bàn cả nước mới chỉ có Hà Tĩnh, Nghệ An và Ban quản lý di tích đền Cửa Ông (Quảng Ninh) là có quy chế quản lý hòm công đức rõ ràng. Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, về nguyên tắc, tiền công đức phải được dùng để phục vụ mục đích quản lý, tôn tạo, chỉnh trang di tích, nhưng hầu hết các địa phương chưa làm đúng chức năng này.

Trở lại câu chuyện về những lễ hội mang tính man rợ, những lễ hội cho phép người tham gia có thể đả thương nhau, ông Vũ Xuân Thành lấy ví dụ từ làng Ném Thượng với lễ hội được đánh giá là kinh dị nhất Việt Nam: “UNESCO khuyến khích sự đa dạng văn hóa nhưng không khuyến khích và công nhận những lễ hội mang tính bạo lực. Cần phải nghiên cứu lại những lễ hội như cướp phết Hiền Quan - Tam Nông, Phú Thọ, cướp lộc trong hội Gióng - Sóc Sơn, Hà Nội, lễ hội Cầu Trâu - Hương Nha hay chém lợn ở Ném Thượng…, nếu có thể phải thay đổi hoặc dừng tổ chức vì lý do thời buổi này sao nói là lễ hội của làng tôi mãi được. Đúng là lễ hội của cộng đồng cư dân địa phương nhưng sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội… những hình ảnh đó đã lan ra, ảnh hưởng tới cả thế giới”.

Chủ trì tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh yêu cầu “Cần chấm dứt lễ hội phản cảm trong những năm tới”, ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, báo chí nêu về những lộn xộn tồn tại trong lễ hội đều đúng, nhưng các địa phương thì “sai rồi mà vẫn cứ cố cãi là đúng thì không hiểu nổi!”.