Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Cơ chế, chính sách đặc thù tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Đã có 33 đại biểu phát biểu ý kiến và phát biểu tranh luận.

Phát biểu thảo luận, hầu hết các Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, cần trao quyền cần gắn với tiêu chí, mục tiêu và trách nhiệm để sau này đánh giá, tổng kết. Ví dụ Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho địa phương chuyển đổi đất rừng mà không giám sát, kiểm tra thì sẽ ảnh hưởng đến chiến lược bảo vệ rừng.

“Cần bổ sung thêm trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí cả chế tài để thực hiện đúng, nghiêm, hiệu quả nghị quyết. Nghị quyết là cơ hội cho người lãnh đạo tài năng dám nghĩ, dám làm, song cần có chế tài trách nhiệm để khẳng định với các tỉnh còn lại đây không phải “cơ chế xin – cho” mà có bản lĩnh mới có cơ chế đặc thù” – Đại biểu Hạ nói.

Còn theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), 63 tỉnh, thành giống như 63 người con của Tổ quốc có năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Ngoài Hà Nội có Luật Thủ đô riêng thì 62 địa phương có chung hành lang pháp lý, do đó nếu không có cơ chế chính sách đặc thù thì khó kích hoạt phát triển các tiềm năng.

“Nền tảng pháp lý chưa có thì phải thí điểm, phải có mô hình để từ đó phân loại địa phương và cá biệt hoá chính sách cho từng nhóm” – Đại biểu Thanh Vân nhấn mạnh, đồng thời khẳng định đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để ban hành các chính sách tháo gỡ, “xé rào” để thí điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tranh luận

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tranh luận

Cùng phát biểu về nội dung trên, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) nêu quan điểm, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách; đồng thời mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế cả nước, không chỉ riêng địa phương nào.

Do đó xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo gánh nặng cho ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến điều tiết và phân bổ ngân sách trung ương đối với các địa phương khác.

“Tôi đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, đại biểu nêu quan điểm.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đảng, nhà nước luôn chú trọng hài hòa phát triển các vùng miền, việc tạo cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm để các tỉnh, thành phố nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, có điều kiện bứt phá phát triển tạo động lực, cực tăng trưởng mới, lan tỏa thúc đẩy phát triển trong vùng và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Song, hệ thống chính sách vẫn giữ nguyên chứ không có sự mất cân bằng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu chí để lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương và tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã áp dụng; dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, tạo tính bứt phá nhưng đề cao tính tự lực, tự cường vươn lên. Cơ chế, chính sách đặc thù tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương.