Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Hà Nội được chủ động lập phương án

ANTĐ - Sáng 29-12, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã giao quyền cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM được tự quyết phương án riêng về hạn chế xe cá nhân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Hà Nội được chủ động lập phương án  ảnh 1Bộ GTVT sẽ phối hợp với các thành phố lớn thực hiện việc hạn chế xe cá nhân

Cần giải pháp đồng bộ

Đề cập tới đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Đức Chung về chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn và Chính phủ đã đồng ý để các tỉnh/thành phố lập đề án riêng và trình HĐND cùng cấp quyết định. 

“Bộ GTVT dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều hình thức như theo từng tuyến đường, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định...  Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2020” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: “Hà Nội và TP.HCM cần chủ động lập phương án, Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện”.

Cũng liên quan đến đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) nhìn nhận, chủ trương này là cần thiết. Theo ông Lê Đỗ Mười, để giảm phương tiện cá nhân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thay thế, tăng cường năng lực vận tải khách công cộng (VTKCC).

Cần áp dụng nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách và thậm chí là hàng rào pháp lý để tốc độ phát triển phương tiện cá nhân chậm lại, như đề xuất thu phí phương tiện cá nhân ra vào nội thành giờ cao điểm.  “Chúng ta cần có các giải pháp hạn chế xe cá nhân theo lộ trình. Bởi với tốc độ tăng nóng trên 15% liên tục trong nhiều năm, xe cá nhân đang góp phần gia tăng gánh nặng quá tải, ô nhiễm môi trường và mất trật tự ATGT lên các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. HCM” - ông Lê Đỗ Mười nói.

Con đường phải đi

Đồng tình với nhận định trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hạn chế xe cá nhân là đúng bởi nếu không, trong tương lai gần, chúng ta sẽ không thể di chuyển được trên đường. Nhiều nước trong khu vực đã có bài học về tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế xã hội.

Đơn cử như Indonesia, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài khiến nước này phải ra lệnh cấm ô tô cá nhân chở 1 người tham gia giao thông. Năm 2015, số lượng ô tô nhập khẩu của Việt Nam cao nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á. Nếu cứ tái diễn tốc độ gia tăng  chóng mặt như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn sẽ còn kéo dài. “Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp, cả lâu dài và tình thế để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng nếu tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân không chậm lại, ùn tắc giao thông sẽ không sao trị dứt được”, ông Bùi Danh Liên nói.

Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, muốn hạn chế xe cá nhân, tất yếu phải xây dựng lộ trình để chuyển đổi và bổ sung các giải pháp, tập trung nguồn lực phát triển VTKCC như đường sắt đô thị, xe buýt khối lượng lớn… “Hạn chế phương tiện cá nhân không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà cần kết hợp với các giải pháp kinh tế, thị trường… để người dân cân nhắc, tính toán, thay đổi dần thói quen sử dụng phương tiện” - ông Bùi Danh Liên nói.