Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề thi tốt nghiệp sẽ không gây “sốc”

ANTĐ - Ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giải trình trước các đại biểu Quốc hội về kỳ thi quốc gia năm 2015. Hàng trăm câu hỏi đã được nêu ra thể hiện sự lo lắng của người dân trước những thay đổi của kỳ thi sắp tới. 

Phương án kỳ thi quốc gia vẫn còn nhiều điều chỉnh

Hàng trăm câu hỏi chờ giải đáp

“Tôi nhận được hàng trăm câu hỏi của cử tri về kỳ thi quốc gia năm nay. Để xã hội yên tâm trước thay đổi lớn này, Bộ trưởng cần làm rõ những khó khăn, bất cập, hạn chế và phương án khắc phục. Công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi như thế nào, có đảm bảo tiến độ không?…” - bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, khó khăn khi đổi mới chắc chắn có và không thể lường trước hết được. Bộ trưởng nói: “Trung ương ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và được cả nước hưởng ứng. Chúng tôi nhích từng chút một thì bảo vụn vặt, phải làm luôn đi. Nhưng thay đổi như đã công bố lại bảo là sốc. Thói quen của chúng ta là dạy và học theo cách truyền thụ kiến thức một chiều. Đã đến lúc phải thay đổi. Vấn đề hiện nay là làm sao để 2 triệu thầy cô giáo hiểu và thống nhất để 20 triệu học sinh và gia đình hiểu…”. 

Từ chối đưa ra thông tin cụ thể về đề thi, tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, những thay đổi trong đề thi không làm thí sinh “sốc” mà chỉ có tác động tích cực như năm 2014. Học sinh không phải học thuộc lòng, có mang tài liệu vào phòng thi cũng không có tác dụng. Đề thi nhằm kiểm tra năng lực hiểu biết, vừa có phần cơ bản để xét tốt nghiệp, vừa có phần phân hóa.

Có gây tốn kém cho xã hội?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Nhiệm băn khoăn, trong trường hợp có quá nhiều trường ĐH tự chủ tuyển sinh, liệu kỳ thi 2015 sẽ quay về những năm trước 2002, gây tốn kém cho xã hội! Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trấn an: “Các trường tự chủ tuyển sinh phải có phương án đảm bảo chất lượng của nhà trường. Kỳ thi trước cho thấy, nhiều trường thừa chỉ tiêu mà chỉ tuyển được vài chục cháu. Chúng ta không nên quá lo lắng về việc “vơ bèo gạt tép” của các trường vì nhiều trường muốn xét tuyển cũng không tuyển đủ sinh viên?!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi về quy định bắt buộc thi ngoại ngữ: “Cách đây vài năm, thi sát hạch trên 98% giáo viên không đạt chuẩn. Vậy bắt buộc thi ngoại ngữ có khả thi không? Việc miễn thi ngoại ngữ cho một số đối tượng có sinh ra thủ tục học thêm ngoại ngữ theo kiểu chống đối, chạy đua để lấy chứng chỉ xét tốt nghiệp...?”. “Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc là yêu cầu của Chính phủ nhằm nâng dần trình độ ngoại ngữ của học sinh. Nếu để tự chọn thì yếu quá. Chúng tôi sẽ tính toán để nâng chất lượng giáo viên. Đối tượng miễn thi thì Bộ dự kiến chỉ dành cho thí sinh đạt giải Olympic, chứng chỉ quốc tế có độ tin cậy chứ không phải chứng chỉ của các trường ĐH trong nước” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải  trình.

Chưa phải phương án cuối

Tiếp tục chất vấn Bộ GD-ĐT, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề: “Các cơ sở giáo dục ĐH nào đủ tiêu chí tiêu chuẩn để trao quyền coi thi, chấm thi? Nếu không tổ chức nghiêm, có tiêu cực gây nên chênh lệch điểm thi giữa các cụm thi thì Bộ có phương án thi lại không?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, chống tiêu cực trong coi thi, chấm thi là việc làm xuyên suốt cả quá trình thi, chấm thi, kể cả sau khi đỗ tốt nghiệp, trúng tuyển đại học. Còn nếu phát hiện tiêu cực thì phải giải quyết từng vụ việc cụ thể.

Băn khoăn về tính ổn định của những thay đổi thi cử lần này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Thúy đặt câu hỏi: “Tại sao đổi mới bất ngờ như vậy? Bộ trưởng có đặt mình vào vị trí học sinh không? Kỳ thi năm 2015 có phải phương án cuối không?” “Chúng tôi không làm gì bất ngờ, mà làm theo lộ trình công bố rộng rãi” - ông Phạm Vũ Luận khẳng định - “Còn đây có phải đổi mới cuối cùng không? Khi đổi mới chương trình-sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết 29, sẽ có phương án thi mới 100%. Còn các cháu đang học chương trình cũ không thể chờ 12 năm sau mới bắt đầu thay đổi. Chúng ta đang bàn phương án thi trong giai đoạn quá độ, không thể chấp nhận cái cũ  nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện ngay cái mới”. Bộ trưởng cho biết, phương án thi đổi mới đang xây dựng, sau năm 2015 sẽ rõ hơn nữa. “Những thay đổi này sẽ đồng hướng, không phải nay rẽ phải, mai rẽ trái rồi quay về chỗ cũ”, Bộ trưởng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi: Phải cân nhắc tình huống “lách” vào đại học

“Bộ GD-ĐT phải cân nhắc tình huống “lách” vào đại học bằng con đường tránh cụm thi do đại học chủ trì, chỉ thi ở cụm thi địa phương và sau đó dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học. 

Theo tôi, cụm thi do các trường đại học chủ trì là biện pháp mạnh nhưng sự thay đổi này quá nhanh. Bộ GD-ĐT phải có tính toán về mức độ tổ chức, coi thi ở các cụm thi này. Bên cạnh đó, việc cho phép các trường tuyển sinh riêng được sử dụng kết quả địa phương khiến tính nghiêm túc không đồng đều. Chắc chắn là chất lượng cụm thi ở địa phương khác nhau. Cách tổ chức như vậy chưa tạo được mặt bằng chung, không công bằng giữa các thí sinh... Bộ cần loại trừ hoàn toàn những trường đại học đã dùng kết quả cụm thi do trường đại học chủ trì thì tuyệt đối không được xét kết quả cụm thi địa phương tổ chức nữa.