Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đồng thời tiến hành nhiều giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp.
Bộ TT-TT tiến hành nhiều giải pháp ngăn chặn lừa đảo trực tuyến

Bộ TT-TT tiến hành nhiều giải pháp ngăn chặn lừa đảo trực tuyến

Bộ TT-TT cho biết, từ năm 2023 đến nay, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đã hoàn tất xác thực thông tin của hơn 125 triệu thuê bao, xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp với dữ liệu dân cư. Đặc biệt, từ ngày 15-4-2024, các nhà mạng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện SIM mới không đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng đối với ba doanh nghiệp viễn thông di động (Vietnamobile, VNSKY và Mobicast) để thể hiện quyết tâm trong việc xử lý SIM rác và SIM không chính chủ.

Bộ TT-TT cũng triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) từ tháng 10-2023 cho các cơ quan nhà nước, phối hợp với Bộ Công an thúc đẩy triển khai định danh cho các số liên hệ chính thức của các đơn vị thuộc Bộ Công an.

Cơ sở dữ liệu về các đối tượng và số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo cũng đã được Bộ TT-TT xây dựng và liên tục cập nhật, giúp cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo mới.

Với các doanh nghiệp mạng xã hội như: Facebook và TikTok, Bộ giám sát, rà soát và xử lý nội dung có dấu hiệu lừa đảo, đồng thời cảnh báo và hướng dẫn người dùng nhận biết các dấu hiệu này; Phối hợp với các cơ quan địa phương và doanh nghiệp để triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân tránh rủi ro khi sử dụng mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại và tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các phương thức lừa đảo; Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trình Chính phủ ban hành các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có yêu cầu xác minh danh tính người sử dụng mạng xã hội, kiểm soát chặt chẽ các nền tảng mạng xã hội, và ngăn chặn quảng cáo lừa đảo; Yêu cầu người dân cung cấp thông tin thuê bao vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đảm bảo xác thực chính chủ theo quy định của Luật Căn cước.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong tuần qua là giả mạo các cơ quan, đơn vị uy tín như: mạo danh cơ quan công an, mạo danh cơ quan hải quan, mạo danh Tập đoàn Viettel… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn rất nhiều người dân “sập bẫy”, chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo hàng tỷ đồng.