“Bó tay” trước “nạn” sách lậu?

(ANTĐ) - Phát hiện cơ sở in sách lậu đã khó, công tác xử lý đối tượng sao cho thật triệt để, đủ sức răn đe còn phức tạp, khó khăn hơn.

“Bó tay” trước “nạn” sách lậu?

(ANTĐ) - Phát hiện cơ sở in sách lậu đã khó, công tác xử lý đối tượng sao cho thật triệt để, đủ sức răn đe còn phức tạp, khó khăn hơn.

Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng gặp phải sau khi khám phá đường dây in lậu sách tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Ngọc Linh, trụ sở tại huyện Từ Liêm.

Chế tài vừa thiếu, vừa yếu

Hàng chục đầu sách với hàng nghìn bản in mà cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Ngọc Linh, phần lớn đều được in ấn theo đơn đặt hàng của Đỗ Văn Song (SN 1977), quê Hải Hậu, Nam Định, hiện sống tại Hà Nội.

Theo tài liệu của cơ quan công an, Đỗ Văn Song ra Hà Nội từ năm 2004 nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã trở nên “nổi tiếng” trong giới xuất bản “ngầm” về những hợp đồng in ấn - phát hành sách “lậu”.

Năm 2005, Đỗ Văn Song bị trinh sát Phòng An ninh Văn hóa tư tưởng phát hiện và xử lý trong vụ đặt hàng in lậu cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nhà xuất bản Thanh niên. Không chỉ hoạt động độc lập, Song còn câu kết với những “nhà môi giới” khác để mở rộng tầm hoạt động.

Vụ in lậu cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi”, Song chỉ bị cảnh cáo, phạt hành chính. Theo một cán bộ Phòng An ninh Văn hóa tư tưởng, nhiều khả năng, hình thức xử lý đối với Đỗ Văn Song trong vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Ngọc Linh cũng tương tự, bởi các văn bản của Nhà nước quy định về quản lý hoạt động in ấn, xuất bản đều không có dòng nào đề cập đến việc xử lý đối tượng đóng vai trò môi giới.

“Phố” sách Nguyễn Xí luôn lẫn lộn “vàng - thau”
“Phố” sách Nguyễn Xí luôn lẫn lộn “vàng - thau”

Đỗ Văn Song chỉ có thể bị xử lý nếu y bị bắt quả tang nhận hàng từ cơ sở in, theo hành vi tàng trữ văn hóa phẩm lậu. “Đây là lỗ hổng lớn bởi hiện nay, các cơ sở in hợp pháp lẫn bất hợp pháp mọc lên ở nhiều nơi. Cơ chế thị trường buộc họ phải cạnh tranh vì lợi nhuận thì những đối tượng cơ hội như Đỗ Văn Song sẽ còn nhiều đất để hoạt động.

Một cơ sở không chấp nhận hợp đồng in lậu của Song thì sẽ có cơ sở khác thế vào” - Thượng tá Đinh Hữu Tân - Phó trưởng Phòng An ninh Văn hóa tư tưởng cho biết.

Một khó khăn không nhỏ đối với cơ quan chức năng, đó là chế tài xử lý quá nhẹ với những vi phạm in ấn sách lậu, sách nhái. Các đối tượng in lậu thường chủ động đối phó với cơ quan chức năng, như hoạt động ngoài giờ hành chính, đặt xưởng in tại những khu vực khuất nẻo, luôn khóa kín cửa.

Nhiều công ty in đặt máy in ở nhà dân và sẵn sàng ký quyết định thành lập chi nhánh khi bị kiểm tra. Do nhiều cơ sở có giấy phép hoạt động trong nghề in, nên thời điểm kiểm tra phải tính toán kỹ, đúng thời điểm có hàng lậu mới xử lý được.

Quá trình trinh sát tốn công là vậy nhưng khi phát hiện một điểm in lậu, hình thức xử lý lại rất nhẹ, chỉ là “phạt tiền từ 10-15 triệu đồng về hành vi in, nhân bản xuất bản phẩm không đủ thủ tục hoặc không có hợp đồng theo quy định”, (điều 22, khoản 4 - a, NĐ 56/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây là biện pháp không đủ sức răn đe, và đã được kiến nghị điều chỉnh từ nhiều năm nhưng không nhận được hồi âm từ cấp có thẩm quyền.

Những thiệt hại vô hình

Luật Xuất bản ban hành cho phép hình thành mô hình liên kết - hợp tác giữa các nhà xuất bản và công ty kinh doanh sách. Đây là dấu hiệu khởi sắc của thị trường xuất bản; song so với thị trường thế giới và ngay trong khu vực, ngành xuất bản của Việt Nam vẫn còn hết sức non trẻ, yếu ớt.

Một trong những nguyên nhân đó là do không chỉ chúng ta thiếu những giải pháp kích cầu, những quy hoạch chiến lược, mà còn thiếu hành lang pháp lý có hiệu lực để kích thích sự phát triển, mà ở đây, sách lậu là nguyên nhân chính.

Về nguyên tắc liên kết với nhà xuất bản, “nhà” làm sách phải đầu tư mọi chi phí bản quyền, tác giả, phát hành. Nhà xuất bản đứng tên trên bìa sách và nhận được khoản tiền gọi là quản lý phí. Lời lãi thế nào “nhà” làm sách chịu hết.

Trong khi thực tế, “nhà” làm sách nào có được hai, ba trên chục đầu sách có lãi đã được coi là “thắng”. Khoản “thắng” ấy dành nuôi những đầu sách không có lãi. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tuần, dân làm sách lậu nghe ngóng được cuốn sách nào bán chạy, lập tức hàng giả sẽ xuất hiện trên thị trường. “Nhà” làm sách thiệt, rồi đến các tác giả, dịch giả cũng thiệt.

Kế đến là thiệt hại đối với uy tín của nhà xuất bản, thậm chí uy tín của ngành xuất bản Việt Nam. Những dịch giả, tác giả nước ngoài liệu có dám “nhờ” đến địa chỉ mà sản phẩm của họ không thể được bảo toàn trước đối tượng làm sách lậu.

Đây mới là thiệt hại không thể đo đếm, bởi hiện nay Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định về bản quyền với thế giới.

Hoàng Quân