Bộ Tài chính: Tính thuế bình quân gia quyền với xăng dầu là hợp lý nhất

ANTĐ - Trước ý kiến cho rằng, phương pháp tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá bán xăng dầu của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đã có ý kiến phản hồi.

Bộ Tài chính: Tính thuế bình quân gia quyền với xăng dầu là hợp lý nhất ảnh 1Bộ Tài chính đề xuất cần tiếp tục sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp

Liên quan tới cách tính thuế nhập khẩu làm cơ sở tính giá bán lẻ xăng, dầu, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ trả lời các kiến nghị của Bộ Công Thương.

Theo Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu là một trong các yếu tố xác định giá cơ sở. Mức thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, có 3 loại thuế suất thuế nhập khẩu theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm: thuế suất ưu đãi (MFN); thuế suất ưu đãi đặc biệt (FTA) và thuế suất thông thường.

“Vì vậy, việc dùng 1 trong 3 mức thuế suất trên hay thuế suất bình quân gia quyền của các mức thuế suất để tính giá cơ sở đều phù hợp với quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cũng khẳng định: “Trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất. Cách tính này giải quyết hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu”.

Bộ Tài chính cho rằng, về lâu dài, xăng dầu trong nước đã sản xuất được (đã có Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và năm 2017 là Nghi Sơn, kho quan ngoại Vân Phong cũng đã pha chế được). Vì vậy, về cơ bản xăng, dầu trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa, nên giá cơ sở bán lẻ xăng dầu căn cứ vào giá xăng dầu nhập khẩu không còn phù hợp.

Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ không giải quyết được gốc vấn đề và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam cũng như các bên đã đàm phán, ký kết Hiệp định FTA. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương (cơ quan xây dựng Nghị định 83) chủ trì, chủ động nghiên cứu kinh nghiệm về kinh doanh xăng, dầu của các nước trên thế giới.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 thời gian qua và thực tế sản xuất, cung ứng xăng, dầu trong nước. Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp.