Bộ Tài chính quyết liệt giải pháp để thu hồi cao nhất số nợ thuế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Trong những tháng cuối năm 2020, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại phải giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Do đó, công tác thu ngân sách, cũng như quản lý thu nói chung và thu nợ thuế nói riêng gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà về những giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, thực hiện cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.

- PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể khái quát tình hình nợ thuế qua những con số trong một năm đại dịch Covid-19 hoành hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

​- Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý tính đến cuối tháng 10/2020 là 104.441 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 20,9% so với thời điểm ngày 31/12/2019. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu (nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày) là 42.097 tỷ đồng, gồm các khoản thuế, phí là 27.528 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 14.569 tỷ đồng. Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế (tính 0,03%/ngày) phát sinh của nợ thuế có khả năng thu là 20.165 tỷ đồng. Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 42.179 tỷ đồng (gồm tiền thuế là 21.860 tỷ đồng và tiền phạt, tiền chậm nộp là 20.319 tỷ đồng).

Qua số liệu nợ thuế nêu trên cho thấy, số nợ thuế có khả năng thu chiếm tỷ trọng 40,3% tổng số nợ thuế (các khoản nợ thuế, phí chiếm 26,4%; các khoản nợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm 13,9%) và chỉ bằng 4,8% so với tổng thu nội địa, thấp dưới mức 5% theo thông lệ quốc tế và đang có xu hướng giảm xuống. Số nợ đọng chủ chủ yếu là số nợ xấu, kéo dài nhiều năm không còn khả năng thu và tiền phạt và tiền chậm nộp (chiếm tới 59,7% tổng số tiền nợ thuế, trong đó: số nợ không còn khả năng thu chiếm tỷ trọng lớn 40,4%; Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp phát sinh chiếm tỷ trọng 19,3%). Đối với số nợ thuế này, cơ quan thuế đã quyết liệt đôn đốc và cưỡng chế thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng do người nộp thuế đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, sản xuất kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng thanh toán, phải giải thể, phá sản hoặc đi khỏi địa chỉ sản xuất kinh doanh, không nộp được tiền thuế nợ.

- Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nợ thuế không có khả năng thu hồi gia tăng, thưa Thứ trưởng?

Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức rà soát, phân loại đối tượng nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, để đưa ra từng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức rà soát, phân loại đối tượng nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, để đưa ra từng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế (Ảnh minh họa)

- Năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội, đã làm cho nhiều người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề, gặp khó khăn phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ, cơ quan thuế đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách Nhà nước.

Khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Một số người nộp thuế trong thời gian qua gặp phải sự cố không mong muốn như thiên tai, bão lụt, bị hỏa hoạn, thảm họa, hoặc gặp trường hợp bất khả kháng khác, đặc biệt là lũ lụt đang xãy ra tại các tỉnh miền Trung đã làm cho doanh nghiệp và người dân thiệt hạn nặng nề. Thực tế diễn ra là hầu hết doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng thiệt hại lớn, sản xuất kinh doanh thua lỗ, dẫn đến không còn nguồn tài chính để nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước và phát sinh tiền chậm nộp thuế. Ngoài ra, tồn tại một số người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày tăng thêm.

- Biện pháp đồng bộ để giải quyết nợ đọng thuế được Bộ Tài chính triển khai?

Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Cục thuế thực hiện kiên quyết, nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu nợ (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Cục thuế thực hiện kiên quyết, nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu nợ (Ảnh minh họa)

- Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 và Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và có văn bản gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ thuế. Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện xử lý nợ thuế trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm và cụ thể các giải pháp trong việc thu hồi, xử lý nợ thuế.

Đến nay, cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn để xử lý ngăn chặn, hạn chế tình trạng nợ thuế. Bước đầu cho thấy số nợ đọng thuế đã giảm, trong tháng 9 và tháng 10/2020 đã thu hồi được 5.200 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong tháng 12/2020, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác này nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời giải quyết xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội.

- Bộ Tài chính có những giải pháp quyết liệt, cụ thể nào để thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020?

- Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu cơ quan thuế xử lý, giải quyết ngay các trường hợp người nộp thuế được gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ chức rà soát, phân loại đối tượng nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, để đưa ra từng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế. Đối với những người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ, sắp xếp dòng tiền, phân kỳ để nộp dần tiền nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để phục hồi sản xuất kinh doanh. Thủ trưởng cơ quan thuế xây dựng kế hoạch trực tiếp làm việc với từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình cá nhân, gắn trách nhiệm của từng công chức được giao nhiệm vụ thu nợ, đưa ra giải pháp, hỗ trợ, xử lý thu hồi nợ cụ thể đối với từng đối tượng. Báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế tỉnh, thành phố để xử lý.

- Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có các “ông lớn” chây ỳ nộp thuế, Bộ Tài chính có phương án nào để chống thất thu ngân sách, thưa Thứ trưởng?

- Đối với những người nộp thuế không bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Cục thuế thực hiện kiên quyết, nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu nợ. Cụ thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an, cho bộ phận thanh tra - kiểm tra để thực hiện điều tra - thanh tra - kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, bỏ trốn, tấu tán tài sản, cố tình chây ỳ, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Tổ chức triển khai các đoàn công tác, đôn đốc thu nợ thuế và kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế tại các Cục Thuế địa phương có số nợ thuế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... Phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương thành lập các đội liên ngành rà soát thu hồi nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có liên quan như các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường để thực hiện cưỡng chế, thu nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Tập trung thu hồi các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo Nghị định của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nợ thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tự nguyện, tự giác của người nợ thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! ​

"Đẩy mạnh việc thực hiện xử lý nợ thuế không còn khả năng thu theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, trình các cấp có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ thuế đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, xử lý tối đa số nợ không còn khả năng thu ngân sách để giảm nợ thuế. Song song với việc đôn đốc thu nợ, tổ chức rà soát tái thiết kế, sửa đổi, bổ sung Quy trình Quản lý thuế, đẩy nhanh việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ để quản lý, theo dõi chặt chẽ nợ thuế; hỗ trợ các cơ quan thuế trong việc giám sát tình hình xử lý nợ thuế, nâng cao hiệu quả của việc quản lý nợ thuế" - Bộ Tài chính