Bộ Tài chính quyết định kiểm tra 3 công ty kinh doanh xăng dầu lớn

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Dầu Việt Nam và tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (gồm Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp).

Đợt kiểm tra nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện chính sách điều hành

mặt hàng xăng dầu chiến lược

Theo đó, các tổ kiểm tra sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26-8-2011, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2011 đến hết 15-9-2011; rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, rà soát kết quả sản xuất, kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đến thời điểm lập Báo cáo kế toán gần nhất với thời điểm kiểm tra; kiểm tra việc chấp hành các quy định về trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 15-9-2011.

Quyết định của Bộ Tài chính nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý điều hành mặt hàng xăng dầu, tiếp theo các hoạt động trong thời gian qua của Bộ Tài chính như: yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đầu mối báo cáo thực trạng kinh doanh, nhập khẩu; đề nghị thương vụ Việt Nam tại một số nước trong khu vực cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh, điều hành giá xăng dầu ở các nước bạn tổ chức hội thảo rộng rãi để ghi nhận những ý kiến trái chiều về thực trạng kinh doanh, quản lý điều hành giá xăng dầu…

Phải làm rõ chuyện lỗ hay lãi

Tôi rất đồng tình với quyết định của Bộ trưởng Vương Đình Huệ khi không tăng giá xăng dầu từ nay đến cuối năm. Tôi nghĩ rằng, nếu các doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, thì Bộ trưởng Tài chính nên thực hiện ngay việc kiểm toán các công ty kinh doanh xăng dầu, công bố lỗ hay lãi. Xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người dân, hễ xăng dầu tăng thì giá cả của các mặt hàng khác cũng hùa nhau tăng theo. Vì vậy, tôi rất mong muốn Nhà nước có một cơ chế quản lý để bình ổn giá xăng dầu hợp lý. Khi đó doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không còn kêu lỗ và quan trọng nhất là người dân có niềm tin cao vào người quản lý.
Bà Lê Thị Thu Yến

(Tập thể Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)

Hoan hô ông Bộ trưởng Tài chính

Ông Bộ trưởng đã rất quả quyết và không ngại ngùng khi nói thẳng: “Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận... Doanh nghiệp (xăng dầu) nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”. Đây quả là một thông điệp thẳng thắn và rõ ràng!

Đọc báo hôm qua, tôi ấn tượng mạnh với cách tư duy và điều hành (dù chỉ qua một cuộc hội thảo) của ông Bộ trưởng Tài chính. Ông nói một câu thật đáng nhớ: “Hơn 10 năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”. Hoan hô ông Bộ trưởng Tài chính về những lời phát biểu của ông. Phải vì dân thì mới kiên quyết giữ quan điểm và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân khi quyết định giảm giá một mặt hàng chiến lược như xăng dầu... Cử tri thật nức lòng khi nghe những lời này.

Ông Chu Gia Huấn (Cán bộ hưu trí, 66 Trần Quốc Toản, Hà Nội) 
Petrolimex phân trần lỗ lãi

Ngay sau khi những ý kiến trái chiều về việc quản lý, kinh doanh xăng dầu, lỗ - lãi của doanh nghiệp được đưa ra tại hội thảo ngày 20-9 của Bộ Tài chính về cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, chiều 21-9, ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có cuộc gặp gỡ với báo chí.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối lớn nhất này, giá xăng dầu thế nào không ai giấu được, vì nó minh bạch trên thị trường quốc tế ở mọi thời điểm, còn giá vốn của doanh nghiệp có thể rất khác nhau giữa các doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc không làm rõ được từng khoản lỗ, lãi với từng mặt hàng tại hội thảo của Bộ Tài chính ngày 20-9, ông Bảo cho hay: “Việc không báo cáo được con số lỗ lãi cụ thể từng mặt hàng bởi tôi đến đó để dự hội thảo, không phải đến họp nên không chuẩn bị số liệu xăng, dầu bóc tách riêng, đến chỉ để phát biểu ý kiến”.

Về việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết có tham khảo ý kiến của ông Bảo trước khi quyết định giảm giá, ông Bảo cho rằng: “Tôi có trao đổi với anh Huệ (tức Bộ trưởng Vương Đình Huệ - PV), tôi có đề nghị với Bộ 2 ý. Một, đây là thời điểm tốt để công bố thông tin hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84. Hai là hướng dẫn để xử lý tồn tại của doanh nghiệp từ đầu năm đến khi chuyển sang vận hành đầy đủ theo Nghị định 84”. Về giảm giá bán, ông Bảo bình luận: “Với xu hướng giá như thế này (giá đi xuống) thì khi hội tụ đủ yếu tố, cơ hội hạ giá là hoàn toàn được. Giá do cơ quan quản lý Nhà nước quyết định và xác định. Tham khảo chỉ là cái trao đổi, thẩm quyền giá quyết định là do cơ quan quản lý nhà nước. Nếu lãi 780 đồng cộng với 300 đồng, tôi sẽ quyết định giảm 1.000 đồng/lít xăng” - ông Bảo phân tích.

Lãnh đạo Petrolimex cũng tuyên bố: “Chúng tôi muốn giá thấp, kích cầu cao. Nếu giá càng cao, đếm tiền cũng mất thời gian, phí đếm tiền, phí chuyển tiền cũng tăng lên, doanh nghiệp không mong muốn! Chúng tôi luôn mong giá thấp để người tiêu dùng thoải mái trong chi tiêu, bán được nhiều hơn mà đỡ bị la ó”.
Trước việc nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để Quỹ bình ổn trong doanh nghiệp khó minh bạch, ông Bảo cho rằng không thể khai gian lận số hàng hóa bán ra. Ông cũng cho rằng nên để Petrolimex từ bỏ độc quyền một cách tự nhiên!


PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: “Không để doanh nghiệp tự định giá”

 “Ở các nước phát triển như: Mỹ, Anh, Đức, nếu một lĩnh vực nào đó còn độc quyền thì Nhà nước đều quản lý giá chứ không có chuyện để doanh nghiệp tự định giá. Các nước thường có chế tài rất mạnh ngăn chặn cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước thỏa hiệp với doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội: “Vừa nói dối, vừa ăn gian được”

“Theo tôi không nên để Quỹ bình ổn xăng dầu nằm trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể kê khai không đúng lượng hàng bán để giảm chiết khấu quỹ, hoặc sử dụng sai mục đích. Cần thu Quỹ bình ổn thông qua thuế ngay từ khi nhập khẩu, chứ để như hiện nay vừa nói dối, vừa ăn gian được”.

(Ghi tại Hội thảo của Bộ Tài chính ngày 20-9)