“Bò rừng” của Trung Quốc dễ dàng bị dìm xuống đáy biển

ANTĐ - Tờ “South China Morning Post” cho biết, ngày 24-5 vừa qua, một chiếc tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) Trung Quốc mua từ Ukraina đã cập cảng Quảng Châu, nhiều khả năng nó sẽ được biên chế về Hạm đội Nam Hải, có phạm vi đảm nhiệm tác chiến chủ yếu trên biển Đông.

Các phương tiện truyền thông Hồng Kông cho biết, Đại Lục đã đầu tư 315 triệu USD để mua 4 chiếc tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới của Ukraina. Sở hữu 4 chiếc tàu được mệnh danh là “Bò rừng châu Âu” này, Trung Quốc hy vọng sẽ uy hiếp được các nước xung quanh, nhưng các chuyên gia quân sự cười nhạo cho rằng, nó chỉ là một thứ “đồ chơi khổng lồ”.

Người đứng đầu cơ quan quân sự Đài Loan trước đây là ông Ngũ Thế Văn khẳng định, tàu đổ bộ đệm khí không phù hợp để sử dụng trên biển Đông. Ông nói: “Hiện Bắc Kinh và một số quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông. Thế nhưng, phần lớn những hòn đảo này đều rất nhỏ, thậm chí có đảo chưa bằng một con tàu. Hơn nữa các đảo này đều lắm luồng lạch và đá ngầm nên Zubr  khó mà tiến vào được”.

Zubr có vận tốc lên tới 60 hải lý/h nên khó có tàu nào đuổi kịp nó


Tạp chí “The Diplomat” có trụ sở tại Tokyo cho biết, tàu đổ bộ đệm khí Zubr có kết cấu 4 tầng, lượng giãn nước 555 tấn, hành trình tối đa 300 hải lý, tốc độ tối đa 60 hải lý/h, thời gian hành trình liên tục là 5 ngày, lượng vận tải tối đa 150 tấn.

“Bò rừng” có thể mang theo 3 xe tăng chiến đấu, hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh, hoặc 360 quân. Nó được trang bị hai khẩu súng máy AK-630 cỡ nòng 30 mm và hai pháo tên lửa đa nòng MS-227 140 mm. Nhìn chung, Zubr lớn gấp đôi loại tàu đổ bộ đệm khí hiện hải quân Nhật và Mỹ đang sử dụng.

Nhà quan sát quân sự của Ma Cao là ông Hoàng Đông cho biết, Senkaku cách Đại Lục hơn 200 hải lý, loại tàu này chỉ có phạm vi hành trình 300km, điều này có nghĩa là nó không thể hoàn thành hành trình đi - về cần thiết. Vì vậy, mỗi khi tác chiến Zubr cần phải có tàu chở dầu đi kèm.

Ông nhấn mạnh, lực lượng tự vệ trên không và trên biển của Nhật Bản có năng lực mạnh hơn so với Trung Quốc, khi Zubr vừa bén mảng đến Senkaku thì nó sẽ trở thành một con mồi cực lớn, rất dễ bị bắn chìm.

Ông Hoàng Đông phân tích, tốc độ tối đa của tàu đổ bộ đệm khí Zubr là 60 hải lý/h và nguyên tắc của tàu đổ bộ đệm khí không cho phép nó chạy chậm. Như vậy, trừ các tàu cao tốc ra, các chiến hạm của Trung Quốc đều có tốc độ tầm 30 hải lý sẽ không thể bắt kịp nó, khi đó Zubr buộc phải đơn độc tác chiến. Vì vậy, nó sẽ dễ dàng làm mồi cho máy bay và các tàu cao tốc tên lửa của đối phương.

“Bò rừng” có thể mang theo 3 xe tăng chiến đấu hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh, hoặc 360 quân

Một quan chức cao cấp của Ủy ban nghiên cứu chính sách Đài Loan cho biết, khả năng là tàu đổ bộ đệm khí Zubr sẽ trở thành phương tiện huấn luyện trong diễn tập đánh chiếm đảo của hải quân Trung Quốc. Ông nói: “Chiếc đầu tiên có thể sẽ trở thành phương tiện huấn luyện giống như tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay. Khi chế tạo hoặc mua sắm một loại trang bị, vũ khí mới, quân đội nào cũng cần nhiều thời gian để huấn luyện chiến, kỹ thuật; xây dựng mô hình tác chiến; sau đó lại phải xây dựng các mô hình hiệp đồng tác chiến trong cả hệ thống”.

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Nghê Lạc Hùng đã từng thừa nhận, do nhu cầu sử dụng ít nên hải quân Trung Quốc không cần quá nhiều tàu đổ bộ đệm khí. Nhưng vì là một cường quốc hải quân đang nổi, nên bắt buộc Trung Quốc phải có tàu đổ bộ loại này để hoàn thiện kho vũ khí tác chiến trên biển của hải quân.