Bỏ rơi con nhỏ trên xe taxi, cha mẹ cháu nhỏ có phạm tội không và ai được quyền nuôi cháu bé?

ANTĐ - Theo tường trình của lái xe Hồ Minh Thuận, hãng taxi VinaSun, khoảng 23h30 ngày 1-12, anh chạy tìm khách tại khu Trung Sơn (Q7, TP Hồ Chí Minh) thì được người phụ nữ bế bé trai, đi bộ, vẫy xe. Cô này yêu cầu chở đến hẻm 150 Tôn Đản (Q4, TP Hồ Chí Minh) nhưng khi đến nơi lại bảo lái xe đưa về khu Trung Sơn. “Cô ấy yêu cầu tôi chạy qua chạy lại hai nơi này đến 4 vòng”, anh Thuận cho biết.
Bỏ rơi con nhỏ trên xe taxi, cha mẹ cháu nhỏ có phạm tội không và ai được quyền nuôi cháu bé? ảnh 1

Đến 1h30 sáng 2-12, nữ hành khách nói lái xe dừng tại  điểm đầu xuất phát “để đợi người nhà”. Tuy nhiên, suốt một tiếng không có ai ra xe nên cô này yêu cầu đưa sang khu cầu Kênh Sáng (Phường 1, Quận 8) để “mượn tiền người nhà trả cước taxi”. “Khi đến một con hẻm, cô ấy bảo trông  dùm đứa trẻ để vào trong lấy tiền nhưng tôi chờ suốt hơn một tiếng mà không thấy quay lại”, anh Thuận nói.

Lái xe sau đó gọi điện về công ty thông báo sự việc đồng thời chở bé trai đến trụ sở Công an phường 1 trình báo. Bà Vũ Yến Oanh, Chủ tịch UBND phường 1 cho biết bé trai rất khôi ngô bị bỏ lại cùng một túi đồ đựng tã, quần áo và 2 bình sữa. Trên người cậu bé không có dấu hiệu bị bạo hành. “Trước mắt chúng tôi sẽ chăm sóc chu đáo cho cháu. Trong 2 ngày nếu người nhà bé không đến nhận thì ủy ban sẽ chuyển sang trung tâm xã hội khác để có điều kiện chăm sóc bé tốt hơn”, bà Oanh nói.

Cùng với hàng chục người đến xin nhận bé làm con nuôi cũng có 2 người xưng là thân nhân của cháu bé đến xin làm thủ tục đón cháu bé về. Đó là một người đàn ông khoảng 50 tuổi và một cụ bà khoảng 80 tuổi, xưng là mẹ của ông này. Người đàn ông xưng tên Liêm, tự nhận là ông dượng của cháu bé, bà cụ mẹ ông Liêm nhận là bà cố của cháu bé. Theo lời 2 người này thì cháu bé bị bỏ rơi trên taxi là con của cháu vợ ông Liêm. Tuy nhiên, họ chưa đưa ra được các giấy tờ tùy thân chứng minh như giấy khai sinh, hộ khẩu, vì vậy cơ quan chức năng không cho họ đón cháu bé về. Cũng theo ông Liêm, người bỏ rơi đứa trẻ trên xe, theo miêu tả của lái xe, rất có thể là mẹ đẻ cháu bé. Tuy nhiên, theo lái xe Thuận, người phụ nữ xưng dì cháu với cháu bé. 

Tiếp nhận vụ việc, Công an quận 8 phối hợp với Công an quận 4 (TP HCM) cùng các cơ quan chức năng khác điều tra, làm rõ lai lịch cháu bé, cũng như truy tìm người phụ nữ này để làm rõ.

Vấn đề cần trao đổi là ai được quyền nuôi cháu bé và xử lý những người thân đã bỏ rơi cháu bé như thế nào? 

Thận trọng khi trả các cháu bé bị bỏ rơi về gia đình bố mẹ đẻ

Xin hãy thận trọng trước khi quyết định cho cháu trở về với gia đình, cho dù sau này gia đình có mong muốn đem cháu về. Vì có biết chắc đó sẽ là tổ ấm cho cháu không khi cháu bị chính người ruột thịt bỏ rơi?... Những người sinh ra cháu đã bỏ rơi cháu, không làm tròn nghĩa vụ cha mẹ, không xứng đáng được nuôi cháu nữa. Dù bất kỳ lý do nào, hành vi đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Xin dành quyền nuôi con cho những người thật lòng thương yêu cháu bé. Đấy mới là hành động nhân đạo nhất chứ không phải đưa cháu về để có thể một lần nữa cháu bé bị bỏ rơi hoặc không được giáo dục, hư hỏng, vừa không có tương lai, vừa gây hại cho xã hội..

Vũ Văn Mão (P3, TP Cà Mau)

Người bỏ rơi cháu bé đáng bị lên án

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20-11-1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…” Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20-2-1990. Nếu cha mẹ đẻ cháu chính là người bỏ rơi cháu thì họ đã vi phạm Công ước quốc tế này. Theo ông Liêm, tự nhận là dượng của cháu bé, thì người bỏ rơi cháu bé rất có thể là mẹ cháu. Cũng theo ông Liêm, cháu bé vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Càng rõ hơn sự vi phạm pháp luật của những người làm cha mẹ cháu bé. Theo Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những người bỏ rơi cháu bé có thể bị phạt rất nặng. Nếu cháu bé bị bỏ rơi phải chịu hậu quả nghiêm trọng, cha mẹ cháu bé còn có thể bị truy tố theo điều 94 Bộ luật Hình sự với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Phạm Thị Thanh (Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội)

Cần truy tìm người phụ nữ bỏ rơi cháu bé thì mới xác định được cháu là con của ai

Theo nội dung vụ án, đã có một mâu thuẫn, theo ông Liêm, người bỏ rơi đứa trẻ trên xe, theo miêu tả của lái xe, rất có thể là mẹ đẻ cháu bé. Tuy nhiên, theo lái xe Thuận, người phụ nữ xưng dì cháu với cháu bé. Như vậy, rất có thể cháu bé không phải ruột thịt với người nhà ông Liêm. Đề nghị cơ quan công an truy tìm bằng được người phụ nữ bỏ rơi cháu bé trên xe taxi. Chỉ có như vậy mới có thể tìm được cha mẹ ruột của cháu bé. Hiện nay, đã có quá nhiều trường hợp mua bán trẻ em đã bị phát hiện. Cần cẩn trọng trong trường hợp này. Nếu xác minh ông Liêm và bà cố không phải là người ruột thịt của cháu bé, cần xử lý hai người này theo tội danh Chiếm đoạt trẻ em theo Bộ luật Hình sự.

Trần Thị Thảo (Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)


Phải trả cháu về với những người ruột thịt

Con người nào cũng có lúc lầm lỡ. Có thể mẹ cháu, trong một hoàn cảnh cụ thể như không có tiền trả tiền xe taxi đã bỏ trốn, để lại đứa con. Cũng có thể cha mẹ cháu quá nghèo, không thể cho cháu một đời sống đầy đủ, trong một phút cạn nghĩ đã bỏ rơi cháu. Tuy nhiên, nhìn thể trạng cháu bé, chúng tôi thấy, cháu cũng được chăm sóc đầy đủ, thể trạng khỏe mạnh, không suy dinh dưỡng. Chứng tỏ, cha mẹ cháu cũng có trách nhiệm đối với cháu. Không ai thương con bằng cha mẹ. Một mặt, cơ quan chức năng cần tìm ra cha mẹ cháu, mặt khác, xin cha mẹ cháu nhận được tin về cháu bé hãy sớm đến đón cháu bé về. Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã quy định trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ. 

Lê Văn Tám (P. Tân Định, Q3, TP Hồ Chí Minh)

Bình luận của luật sư 

Theo đúng nội dung vụ án, đây là một trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nhận nuôi dưỡng trẻ em, nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Như vậy, việc xử lý của Công an và UBND P1, Q8, TP Hồ Chí Minh là đúng theo quy định pháp luật. Hiện cháu bé tạm thời được nuôi dưỡng tốt và an toàn. Vấn đề tiếp theo là truy tìm nhân thân của cháu bé, truy tìm người bỏ rơi cháu bé. 

Cũng theo nội dung vụ án, cháu bé rất có thể chưa được khai sinh, vì vậy, căn cứ pháp lý từ các văn bản như khai sinh, chứng sinh cùng chứng nhận của các cơ quan quản lý nhân, hộ khẩu đều không có. Vì vậy, chỉ có cách xác định ADN tìm mối quan hệ ruột thịt của cháu bé, từ đó mới xác định được nhân thân của cháu. Ông Liêm và bà cố, do không có giấy tờ đủ tiêu chuẩn pháp lý, không thể được nhận cháu và đón cháu về. Để xác định ruột thịt của cháu bé, chỉ có cha mẹ cháu đến nhận với những căn cứ pháp lý chắc chắn hoặc bằng xác định ADN. 

Tuy nhiên, rõ ràng cha mẹ cháu bé đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20-11-1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”. Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. Việc bỏ rơi con nhỏ đã vi phạm tất cả những điều luật trên. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29-10-2013  cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 

Với tất cả những hành vi đó, rất có thể cha mẹ cháu bé cũng bị tước quyền nuôi con có thời hạn. Theo quy định của Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình thì người có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác…

Nhưng cũng theo đúng các quy định pháp luật, nếu xác định được cha mẹ đẻ cháu bé, ưu tiên đầu tiên là trả cháu bé về cho cha mẹ cháu nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo Điều 13 Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em thì trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29-10-2013  cũng quy định cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không có khả năng nuôi con, có thể thỏa thuận với những người mong muốn nhận cháu bé làm con nuôi theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi. Nếu đã cố gắng truy tìm mà không tìm được cha mẹ đẻ, người ruột thịt của cháu bé, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, UBND P1, Q8, TP HCM nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm khai sinh cho cháu bé và xem xét việc cho người khác nhận cháu làm con nuôi theo đúng quy định pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)