Bộ Quy tắc ứng xử khi đi du lịch: Dài dòng và khó nhớ!

ANTD.VN - Bộ VHTT&DL vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử khi đi du lịch với những điều khoản quy định cụ thể cho từng đối tượng. Dù dài tới 17 trang nhưng điều còn thiếu từ Bộ quy tắc ứng xử này chính là sự liên hệ với bộ luật để điều chỉnh các hành vi chưa chuẩn mực.

Các công ty du lịch mong muốn, Bộ Quy tắc ứng xử khi đi du lịch nên được viết ngắn gọn nhưng khi triển khai thì cần cụ thể và nên được xây dựng thành bộ hình ảnh biểu tượng để du khách, các công ty lữ hành dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

 Chuẩn mực trong ứng xử du lịch

Bộ Quy tắc ứng xử khi đi du lịch mang tính hướng dẫn, khuyến nghị đối với các du khách, công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn…. Bộ quy tắc này gồm 2 chương với 12 điều, mỗi điều bao gồm quy tắc ứng xử đối với từng nhóm đối tượng trong hoạt động du lịch. Do vậy, dù được đánh giá là khá cụ thể, chi tiết nhưng lại trở nên cồng kềnh, khó nhớ với người sử dụng khi dài tới 17 trang và không ít các điều khoản bị trùng lặp.

Theo một số đại diện công ty lữ hành, bộ quy tắc ứng xử cần ngắn gọn, cụ thể và dể hiểu.

Bộ quy tắc ứng xử khi triển khai trong thực tế nên được chuyển hóa thành bộ hình ảnh

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng: “Dù bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn nhưng vẫn cần có chế tài để xử lý các hành vi bằng việc, bộ quy tắc nên có sự mở rộng, liên hệ với hành vi bị cấm với các bộ luật hiện hành như hành vi xả rác bừa bãi thì liên hệ với Luật môi trường, hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã thì liên hệ với Luật bảo vệ động vật hoang dã”.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, du lịch là ngành mang tính tổng hợp nên khi đưa ra bộ quy tắc ứng xử cũng cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ngành nghề. Hơn thế, nếu bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn sẽ không đủ sức răn đe mà cần mạnh tay đối với các hành vi chưa đúng nhằm làm lành mạnh hóa ngành du lịch Việt Nam.

Triển khai khó khăn?

Với từng ấy điều khoản quy định trong văn bản, ngay với những người trong nghề cũng cảm thấy lúng túng và khó học. Do vậy, khi triển khai trong thực tế, bộ quy tắc được dự đoán sẽ gây ra nhiều khó khăn với người sử dụng. Và để khắc phục điều này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours cho rằng: “Tổng cục Du lịch nên biến những điều khoản quy định trong bộ quy tắc ứng xử thành bộ hình ảnh hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như khi vào các điểm tham quan, du khách cần xếp hàng, điều khoản này khi được vẽ minh họa sẽ giúp người Việt Nam hay du khách nước ngoài hiểu ngay và chấp hành quy định…

Hay đúng hơn, chúng ta nên biến bộ quy tắc thành những câu chuyện ứng xử trong du lịch sẽ thuận lợi hơn cho người thực hiện”. Dù đã ban hành, song cho tới nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa có động thái nào để đưa Bộ quy tắc ứng xử khi đi du lịch vào cuộc sống. Dù là đơn vị soạn thảo văn bản nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cho tới nay, ông chưa nhận được văn bản chính thức nào liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử, vì thế trình tự ban hành quy tắc ứng xử, ông chưa thể trả lời được.

Bộ quy tắc ứng xử khi đi du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch Việt Nam văn minh, lịch sự.

Nhiều công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn, Tổng cục Du lịch sẽ có các lớp tập huấn, phổ biến bộ quy tắc để người dân được biết. Đặc biệt, về hình thức tuyên truyền cho bộ quy tắc cần được minh họa bằng hình ảnh dễ nhớ. Sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử với mục đích tốt đẹp là xây dựng môi trường du lịch Việt Nam lành mạnh, sẽ không thể trở thành hiện thực nếu các điều khoản chỉ nằm lại trên giấy tờ.

Vẫn không rõ nét

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam có Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Trước đây, đã có nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang,… và gần đây nhất là Quảng Ninh ban hành những văn bản tương tự.

Bộ quy tắc có điều khoản áp dụng cho từng nhóm đối tượng hoạt động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, nội dung văn bản rất lủng củng, có phần lặp lại và sử dụng nhiều từ nghĩa bóng. Điều 11, mục 3 của Bộ quy tắc có đề cập đến những quy tắc ứng xử dành cho các điểm tham quan, du lịch. Các quy tắc được nêu ra rất chi tiết: đảm bảo môi trường cảnh quan sạch đẹp, thân thiện; cung cấp dịch vụ tiện lợi cho du khách như wifi, tra cứu thông tin; không cung cấp các dịch vụ không đảm bảo chất lượng;… nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến đối tượng quản lý và thực hiện những quy tắc này. Không gắn trách nhiệm với đối tượng cụ thể, những yêu cầu, quy tắc đặt ra.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, việc ban hành bản quy tắc để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử là điều cần thiết. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở tính định hướng hành vi, tác dụng của Bộ quy tắc sẽ không thực sự rõ nét. Cần phải có những hình thức xử phạt cụ thể, rõ ràng, lâu dần hoạt động du lịch mới có thể đi vào nề nếp và có cải thiện.