Vụ hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản hợp quy khống:

Bộ Nông nghiệp đề nghị Bộ Công an vào cuộc

ANTD.VN - Nhiều ngày sau vụ việc nhóm cán bộ của Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) hợp quy khống hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

- PV: Tại sao vụ việc đã được Tổng cục Thủy sản thanh tra, kiểm tra phát hiện cách đây hơn 1 năm nhưng đến nay mới công bố danh sách hơn 800 sản phẩm cũng như các doanh nghiệp “mua” sản phẩm hợp quy khống?

- Ông Nguyễn Ngọc Oai: Việc rà soát tên văn bản, phụ lục văn bản, tên doanh nghiệp, tên sản phẩm cũng phải thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ, đòi hỏi độ chính xác cao. Nếu chúng ta công bố chưa đúng, chưa cụ thể thì sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất, nuôi trồng của bà con ngư dân cũng như tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi cần có thời gian. 

Vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản 1512, công bố đầy đủ danh sách của 96 doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi và công bố tên văn bản, phụ lục văn bản của 5 văn bản đã bị làm trái quy định pháp luật, đặc biệt 802 sản phẩm đã được đưa vào phụ lục trái với quy định.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý của Bộ NN&PTNT với nhóm cán bộ vi phạm còn nương nhẹ, xử lý nội bộ? 

- Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thụ lý, xác minh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền. Đồng thời xem xét và áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với các công chức, viên chức vi phạm.

Trong đó, cách chức Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đối với ông Bùi Đức Quý (nguyên là Giám đốc Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, buộc thôi việc đối với ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Hành chính quản trị thuộc Văn phòng Tổng cục và buộc thôi việc đối với 5 viên chức, cảnh cáo đối với 1 viên chức của Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản.

Sau khi thi hành kỷ luật, Đảng ủy Tổng cục Thủy sản và Đảng ủy Bộ NN&PTNT đã xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất về Đảng là khai trừ Đảng đối với ông Bùi Đức Quý và ông Lê Tuấn Anh.

Còn về phía lãnh đạo Tổng cục và một số bộ phận có liên đới, chúng tôi đã kiểm điểm và hiện tại Thanh tra Bộ đang thanh tra lại vụ việc này. Chúng tôi được biết, sau một thời gian Thanh tra Bộ vào làm việc, lãnh đạo Bộ đã báo cáo Bộ Công an về vụ việc xảy ra tại Tổng cục Thủy sản, đồng thời đề nghị Bộ Công an xem xét vụ việc này. 

- Thưa ông, trong 802 sản phẩm hợp quy khống, có bao nhiêu sản phẩm đã lưu hành trên thị trường?

- Trong 802 sản phẩm hợp quy khống có 73 sản phẩm nhập khẩu và 729 sản phẩm sản xuất trong nước. Trong số đó, 374 sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu đã được lưu hành trên thị trường Việt Nam và 107 sản phẩm đang sản xuất thử, 210 sản phẩm chưa nhập khẩu và chưa sản xuất trong nước.

Có một vướng mắc là, chúng tôi đã làm rất kỹ, thống kê, rà soát kỹ lưỡng nhưng vẫn còn 88 sản phẩm chưa xác định được do các doanh nghiệp hiện đã thay đổi địa chỉ, số điện thoại. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm rõ 88 sản phẩm này để có hướng xử lý.

- Còn 96 doanh nghiệp đã có hành vi “mua” sản phẩm hợp quy khống sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã thông báo tới các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc danh mục 802 sản phẩm hợp quy trái quy định, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp này phải có báo cáo cụ thể.

Những sản phẩm sản xuất trong nước thì tạm thời dừng sản xuất,  nếu đã sản xuất thì niêm phong, thống kê báo cáo kịp thời với Tổng cục Thủy sản để có những giải pháp tiếp theo. Còn những sản phẩm chưa nhập khẩu thì tạm thời dừng nhập khẩu, các sản phẩm đã nhập khẩu rồi thì báo cáo về Tổng cục Thủy sản để chúng tôi xem xét lại danh mục này.

- Hướng xử lý tiếp theo của Tổng cục đối với vụ việc này như thế nào?

- Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra, thanh tra đối với vật tư đầu vào (đặc biệt là các sản phẩm đã bị đưa vào lưu hành trái quy định); phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm, triệt để vụ việc theo quy định pháp luật.

Tổng cục Thủy sản dự kiến sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT thay đổi cách quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thông qua danh mục như hiện nay bằng việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gắn với quản lý theo hệ thống và chuỗi giá trị sản phẩm.