Bộ Nội vụ thông tin về hoạt động của Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp, TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, cần nghiêm túc áp dụng hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến để phòng, chống Covid-19.
Hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp nơi có trụ sở hoạt động Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã bị phong tỏa
Hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp nơi có trụ sở hoạt động Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã bị phong tỏa

Thông tin về Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Hội thánh truyền giáo Phục hưng là một điểm nhóm Tin lành tư gia, hoạt động tôn giáo độc lập với các tổ chức Tin lành khác.

Phạm vi và địa bàn hoạt động tôn giáo của Hội thánh này chỉ diễn ra tại địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã đăng ký (địa chỉ số 205/2, đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp nay là số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM) với 29 người là thành viên thường xuyên.

Khi có thông tin người nhiễm Covid-19 trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trực tiếp trao đổi với Ban Tôn giáo TP.HCM và người đứng đầu điểm nhóm, các tổ chức Tin lành trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cung cấp thông tin, khai báo y tế, thực hiện công tác truy vết lịch sử dịch tễ có liên quan; chủ động rà soát và nhắc nhở các tín hữu thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng Vũ Chiến Thắng khẳng định, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chưa thực hiện đúng theo công văn của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống Covid-19;

Chưa chủ động triển khai các biện pháp và chưa cập nhật văn bản và thông tin hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan chức năng, đặc biệt đối với các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt cấp cơ sở.

Cũng theo ông Vũ Chiến Thắng, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau khi phát hiện những ca đầu tiên của đợt dịch lần thứ 4, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 1988/BNV-TGCP gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức và hoạt động tôn giáo.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ tư trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo ở Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn, như: An cư kiết hạ, Vu lan của Phật giáo, Lễ hội La Vang của Công giáo, Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo và các hội nghị, đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo;

Nếu không nghiêm túc thực hiện giãn cách và áp dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến mà vẫn tổ chức và tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người sẽ là một trong những nguy cơ quan trọng dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Nội vụ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các địa phương quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo; kiểm tra giám sát các hoạt động tôn giáo, không để tổ chức sinh hoạt tập trung đông người, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh;

Thu thập, củng cố vi phạm của người đứng đầu điểm nhóm Tin lành Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng và các cơ sở thờ tự (nếu có) để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; không để thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động tín đồ vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền; xuyên tạc công tác phòng, chống dịch.