Bỏ ngưỡng xét tuyển, thí sinh bớt nỗi lo dưới điểm sàn sẽ trượt đại học

ANTD.VN - Đặt ra điểm sàn là để giúp Bộ GD-ĐT quản lý chất lượng đầu vào các trường đại học. Việc bỏ ngưỡng này khiến không ít người lo ngại tình trạng "tháo khoán", cốt sao tuyển đủ chỉ tiêu.

Giao tự chủ, Bộ chỉ khuyến cáo các trường cẩn trọng

Việc Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT.

Trước đây, việc quy định ngưỡng điểm xét tuyển của Bộ GD-ĐT được duy trì với lời giải thích là để quản lý, tránh trường hợp các trường vì muốn đủ chỉ tiêu mà vơ bèo gạt tép, tuyển thí sinh điểm dưới mức trung bình vào đại học. 

Thực tế đã có những trường thông báo trúng tuyển với những thí sinh chỉ đạt 12 thậm chí là 9, 10 điểm tổng cả 3 môn thi. Điều này khiến dư luận hết sức băn khoăn chất lượng đàu vào thấp như vậy thì làm sao đảm bảo được đầu ra của các cử nhân đại học.

Trả lời những băn khoăn về việc bỏ điểm sàn năm nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, nếu các trường đại học hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của nhà trường, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. 

Năm 2018, thí sinh không lo dưới điểm sàn sẽ trượt đại học

Do vậy, ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.

Nhiều trường hạ điểm chuẩn nhưng thí sinh cũng không vào

Theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, thực tế trong mùa tuyển sinh vừa qua đã cho thấy nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh. Lý do là học sinh hiện nay không còn chọn nghề theo cảm tính, không còn tâm lý vào đại học bằng mọi giá. 

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, việc không quy định mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Các trường đại học hiện nay cũng đã đều làm rõ chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, nên các trường cũng phải đảm bảo yêu cầu của chuẩn đầu vào.

Theo ông Chương, nếu có trường lấy đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung của các trường thì sẽ nhận được sự đánh giá của xã hội và đương nhiên khi mà thấp quá sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra.

Vì thế để cạnh tranh, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra để đảm bảo sinh viên ra trường có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ quyết định thương hiệu, sự sống còn của một trường đại học.

Thực tế, từ mùa tuyển sinh trước, nhiều trường đã đặt ra ngưỡng xét tuyển của riêng trường mình và thường là cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Mới nhất, Học viện Tài chính vừa công bố, điểm sàn xét tuyển vào trường này năm nay là 17 điểm.

Theo Quy chế tuyển sinh mới, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.

Trước ngày 1 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.