Bộ Ngoại giao nói gì về phán quyết của toà án đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 13-5-2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của toà án đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Bà Trần Tố Nga và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tại 1 phiên tòa ở Pháp.

Bà Trần Tố Nga và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tại 1 phiên tòa ở Pháp.

“Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi động viên bà Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Trước đó, Tòa Đại hình của Pháp ở thành phố Evry ngày 10-5 công bố quyết định “không thụ lý” các đề nghị của bà Trần Tố Nga trong đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho bà và các con bà.

Tòa án Evry đã đưa ra quyết định nói trên với lý lẽ các công ty hóa chất của Mỹ “đã hành động theo lệnh và đại diện cho Nhà nước Mỹ” và do vậy được hưởng quyền “miễn tố”.

Ngay sau khi được thông báo quyết định nêu trên, 3 luật sư của bà Trần Tố Nga đã ra thông cáo báo chí khẳng định phán quyết của tòa án Evry, “là dựa trên một định nghĩa lỗi thời về nguyên tắc miễn tố, trái với các nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia”.

Về vụ việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin.

“Chúng tôi ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty sản xuất dioxin của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin về chương trình chia sẻ vaccine Covid-19 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng ở trong nước.

“Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận với một số nguồn cung cấp vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility và từ nhà sản xuất vaccine AstraZeneca. Như các bạn đã biết, Việt Nam hiện nay cũng đang tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng được ưu tiên.

Ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vaccine ở trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và chủ động ứng phó khi có đại dịch xảy ra trong tương lai.

Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền với vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở các nước trên thế giới”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.