Bộ Ngoại giao nói gì về "Nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn?

ANTD.VN - Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 9-5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người tự xưng là “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn và tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, tạp chí này có đăng ký hoạt động ở Bộ Ngoại giao Việt Nam không?

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Trong số các văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không có thông tin về tạp chí và phóng viên vừa nêu”.

Ngày 8-5, Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định chuẩn y việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn thuộc Chi hội Nhà báo Khoa báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lý do được Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra vì ông Lê Hoàng Anh Tuấn chỉ là giáo viên thỉnh giảng, không lương, nên không đủ điều kiện kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam.

Cũng tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam trước các thông tin được nêu trong Báo cáo thường niên 2019 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ.

“Báo cáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ 2019 đã có những ghi nhận về thành tựu cũng như những tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam nhưng đáng tiếc, trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.  

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này đã được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam cũng như được bảo đảm, tôn trọng thực hiện trên thực tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo; sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó có trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; có gần 53.000 chức sắc, 134.000 chức việc, 24.000 cơ sở thờ tự.

Đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam rất phong phú với hơn 8.000 lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo hàng năm.

Tổ chức tôn giáo của Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Ví dụ như Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như Kỷ niệm 500 năm Ngày Cải chánh Tin lành năm 2017 và năm nay là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên hợp quốc Vesak.