Bỏ ngỏ truyền thông xã hội trên mạng, Luật Báo chí mới quản lý được... 40%

ANTĐ -  Thống nhất tinh thần phải sắp xếp, quy hoạch lại báo chí theo hướng tinh gọn và không tư nhân hóa báo chí, song đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tỏ rõ sự băn khoăn khi dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) không đưa vào quản lý truyền thông xã hội trên mạng.

Bỏ ngỏ truyền thông xã hội trên mạng, Luật Báo chí mới quản lý được... 40% ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải trình về  dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước UBTVQH sáng nay 18-2
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 18-2, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, qua tổng hợp có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật.

Theo UBTVQH, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, nhà nước không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng.

Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật, tức không đưa loại hình này vào phạm vi quản lý trong Luật Báo chí (sửa đổi); còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Tuy nhiên, cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm nêu trên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, các thông tin trên mạng ngày càng phổ biến, tràn ngập và lượng người truy cập ngày càng tăng, nhưng “tiếc là việc kiểm soát thông tin trên mạng trong luật hiện nay rất vắng bóng, không đáp ứng thực tiễn hiện tại”.

Đại biểu Ksor Phước nhấn mạnh: “Nhất thiết luật phải kiểm soát chặt chẽ loại hình này, tăng cường quản lý từ bên trong, nói cách khác là tăng cường chức năng quản lý nhà nước. Nếu dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) không kiểm soát được cái này thì theo tôi mới chỉ quản lý được 40%, còn 60% vẫn bỏ ngỏ”.

UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sáng nay, 18-2

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Đưa trang tin điện tử tổng hợp ra ngoài phạm vi quản lý của Luật Báo chí, vậy nó có phải là sản phẩm báo chí không? Trang tin điện tử tổng hợp do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cấp phép, lượng người truy cập rất nhiều, người dân vào đọc nhiều mà ta lại bỏ ra ngoài luật, không quản lý, vậy thì không biết quản lý thế nào?"

Giải trình thêm trước UBTVQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son thông tin, việc quản lý thông tin trên mạng hiện đang được điều chỉnh theo Nghị định 72. Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí và không có tư nhân hóa báo chí. Đúng là truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho dân tiến cận thông tin cả trong nước và ngoài nước.
“Tuy nhiên như đã nói, Luật Báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, không tư nhân hóa báo chí, nên không đưa truyền thông xã hội vào phạm vi quản lý của luật này, bởi nếu đưa vào thì vô hình trung là chúng ta thừa nhận truyền thông xã hội, blog cá nhân cũng là loại hình báo chí” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích.

Không đồng tình với cách lý giải này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quyền tự do báo chí chỉ bị hạn chế bằng luật nên hạn chế gì, cấm gì phải đưa vào luật chứ không thể hạn chế, cấm bằng nghị định được. Thông tin xã hội trên mạng internet hiện rất phổ biến, có sức lan tỏa lớn, mọi người đều đọc rất nhiều. Nói đây không phải là báo chí nên không đưa vào luật là không được, vì lượng bạn đọc có khi còn lớn hơn báo chí, cũng không thể nói là có nghị định rồi thì không đưa vào luật, luật không quản lý nữa”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết lại: “Nếu chưa quy định cụ thể được những nguyên tắc nói trên thì không ổn. Cần tập trung suy nghĩ hoàn thiện thêm".