Bỏ ngỏ chất lượng nhựa đường nhập khẩu

ANTĐ - Tình trạng hằn, lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa (BTN) xảy ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường. Thậm chí, có những mặt đường, cầu vừa làm xong đã bị lún phần BTN, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, giảm chất lượng đường sá. 

Mặt đường bê tông nhựa trồi sụt, lún gây nguy hiểm cho phương tiện. Ảnh: internet

Đường vừa xong đã lún, nứt

Đã có không ít vụ TNGT xảy ra do mặt đường trồi sụt, hằn rãnh như trên, mặt cầu Thanh Trì, QL5… những gồ sống trâu giữa đường luôn là mối đe dọa nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến, tại nhiều tuyến Quốc lộ như: QL1A, 5, 3, Đại lộ Đông Tây. Thậm chí, vị trí lún đường còn xuất hiện ở ngay cả các dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng 6-8 năm như QL1A thuộc dự án WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng châu Á)... hay những dự án vừa đưa vào khai thác, sử dụng (QL1A đoạn qua Hà Nam, Thanh Hoá, BOT tuyến tránh Phan Rang-Tháp Chàm)...; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước, BOT hay vốn ODA; trên mặt đường hay trên mặt cầu (cầu Thanh Trì, mặt cầu vượt bằng thép tại TP Hồ Chí Minh...).

Kết quả khảo sát, thống kê thực tế trên hệ thống đường Quốc lộ của Tổng cục ĐBVN cho thấy, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chủ yếu tập trung trên các tuyến Quốc lộ có lưu lượng, tải trọng xe chạy lớn (QL 1, 3, 5, 7,...), các vùng có thời tiết nắng nóng (khu vực miền Trung), các vị trí có đặc điểm đặc biệt như: gần trạm thu phí, đèo dốc, đường cong, đèn tín hiệu giao thông,... Điển hình, tại Khu quản lý đường bộ IV, đoạn QL1A từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế vệt lún bánh xe, trồi lún sống trâu khoảng trên 70/620 km (chiếm 13%), đoạn Đà Nẵng – Khánh Hòa hơn 90/593 km (chiếm 15%), đoạn Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng hơn 16/245km (chiếm 7%)...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Phạm Quang Vinh  nhìn nhận, đường lún hằn vệt bánh xe là do nhiều nguyên nhân về chất lượng các lớp bê tông mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát...); lưu lượng, tải trọng xe và cường độ vận chuyển; nhiệt độ; công tác quản lý, khai thác và bảo trì. Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường BTN tại Việt Nam là do khí hậu. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, trên các tuyến đường Quốc lộ, đường trục đã có sự gia tăng rất lớn lưu lượng của các xe tải trọng nặng vượt quá giới hạn cho phép dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh xuống cấp, bị  nứt, lún vệt bánh xe, trồi nhựa...

Do chất lượng nhựa đường, tư vấn giám sát

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện có trên 10 quốc gia xuất khẩu nhựa đường cho Việt Nam với số lượng lớn. Song, theo đại diện Tổng cục ĐBVN thì điều đáng lo ngại là không có cơ quan, đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu. Việc kiểm soát chất lượng nhựa, nguồn gốc, xuất xứ nhựa đường gặp khó khăn do các nhà cung cấp thường nhập khẩu nhựa có nguồn gốc khác nhau và lưu chung vào bồn chứa tại kho, cảng; công tác thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý của nhựa để kiểm soát chất lượng cũng không được thực hiện đầy đủ, thường chỉ căn cứ vào chứng chỉ của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, mặt đường mới đưa vào khai thác đã xuống cấp cũng cần phải đặt câu hỏi với đơn vị tư vấn giám sát đã kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình, quy phạm của nhà thầu thi công đã đảm bảo chất lượng hay chưa?

Nhằm khắc phục triệt để hiện tượng trồi, sụt lún nền mặt đường, Tổng cục ĐBVN đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe, chất lượng nhựa đường và công tác thi công, thiết kế.  Để kiểm soát tải trọng xe, đơn vị này tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống các trạm cân di động và cố định để kiểm soát và ngăn ngừa các xe quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng trên các tuyến Quốc lộ, trục chính. Đặc biệt, Tổng cục ĐBVN kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan kiểm soát chất lượng nhựa đường nhập khẩu cung cấp cho thị trường Việt Nam. Đối với đội ngũ tư vấn giám sát và Ban quản lý dự án phải quản lý, kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu về chất lượng thiết kế, quá trình sản xuất bê tông, thi công kết cấu mặt đường…