Bố mẹ đừng dằn vặt, mắng mỏ con

ANTĐ -N "bật mí" thêm: "Bây giờ con còn nhỏ, con phải ở với bố mẹ thôi. Mai kia lớn rồi, con sẽ ở riêng. Con sẽ không đón bố mẹ con về ở cùng nữa..."

Tháng 6 là tháng "Hành động vì trẻ em". Và vì thế mà chuyên gia tư vấn chúng tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đọc nhiều câu chuyện liên quan đến các em nhỏ. Chúng tôi hy vọng qua đây, người lớn sẽ hiểu hơn về con, em mình và thấy rằng, các em chỉ nhỏ về vóc dáng chứ không non nớt về suy nghĩ như chúng ta tưởng.

 

Con không yêu mẹ, con không thể thân được với bố mẹ... là những lời tâm sự mà nhiều khách hàng nhí nói với chúng tôi. Lạ chưa, bố mẹ đã sinh ra các con, đổ bao mồ hôi nước mắt nuôi con khôn lớn. Lẽ nào con lại không yêu bố mẹ? Bị tôi chất vấn câu đó, nhiều em đã trả lời rất thật rằng: Con ghét mẹ vì mẹ không hiểu con. Con ghét bố vì bố hay đánh con và vì... hình như bố mẹ không yêu thương con.

N là một cô bé học ở một trường THCS ở Hà Nội. Cô bé có khuôn mặt dễ thương, nước da trắng như trứng gà bóc, mái tóc dài, đen ong ả. Nhìn bé, tôi thầm ước giá mình cũng có được một cô con gái thiên thần như thế. Và chắc, bố mẹ em cũng sẽ tự hào, hạnh phúc vì đã sinh ra em trên đời.

Ấy thế nhưng, sau này, tôi ngỡ ngàng biết rằng thực ra em và bố mẹ rất xung khắc. Nhà chỉ có 3 người thôi mà bố mẹ, con cái thường xuyên to tiếng. Vì thế, khi tôi khen em thật xinh, N đã phản ứng lại: Con ghét mái tóc, ghét nước da của con lắm, cô đừng khen con được không? "Vì sao vậy?" tôi hỏi. "Vì nó là mái tóc của mẹ, là nước da của bố mà con thì không muốn có bất cứ thứ gì giống bố mẹ cả".

Rồi N "bật mí" thêm, bây giờ con còn nhỏ, con phải ở với bố mẹ thôi. Mai kia lớn rồi, con sẽ ở riêng. Con sẽ không đón bố mẹ con về ở cùng nữa... Đến đấy thì câu chuyện của N đã trở nên khá... căng thẳng. Tôi bắt đầu chú ý tìm hiểu nguyên nhân. N kể:

Bố mẹ chỉ sinh được mình con thôi. Nhà con cũng bình thường cô ạ. Con biết, để nuôi được con lớn tới thế này, bố mẹ con đã vất vả lắm. Hồi con nhỏ, bố mẹ con thường nhận gấp hộp giấy cho một công ty bánh kẹo để kiếm thêm tiền. Trong nhà con toàn giấy, mỗi lần bố mẹ lấy hàng về là giấy chất cao như núi. Thế mà chỉ qua vài ngày, "ngọn núi" ấy vơi dần vơi dần. Từng hộp giấy thành phẩm được bố còn chở đi, đổi lấy tiền để đong gạo. Đến khi có phong trào nuôi ốc bươu vàng, mẹ con lại chuyển sang nuôi ốc để đem bán. Mẹ nuôi ốc trong những chậu to. Mỗi chiều, con lại cùng mẹ ra chợ nhặt lá rau xà lách về... thả cho ốc ăn. Lúc đầu con ngượng, nhưng sau quen dần. Cứ thấy chỗ nào có rau, kể cả là rau vứt ở đống rác cũng chạy tới bới bới nhặt nhặt đem về. Dần dần, ốc bươu vàng không bán được nữa, mẹ con lại bỏ nuôi ốc chuyển sang làm bánh bao. Sáng tinh mơ, mẹ đã bê nồi bánh bao ra chợ bán.

Những ngày khó khăn ấy tới giờ con vẫn nhớ như in. Con luôn thấu hiểu bố mẹ đã vất vả như thế nào. Bố con thường nói: Con có nhiệm vụ phải học thật giỏi để bố mẹ vui lòng. Con thương bố mẹ nên cũng cố. Nhưng, không phải cái gì muốn là được. Hôm thì con được điểm cao, hôm con bị điểm thấp. Năm con là học sinh giỏi, năm lại chỉ đạt học sinh tiên tiến? Nhưng, bố mẹ con lại nghĩ, con luôn phải đứng đầu lớp. Bố mẹ cứ nghĩ rằng bố mẹ đã cố gắng vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt nuôi con thì con cũng phải học giỏi để báo hiếu bố mẹ. Lúc nào con không học được như mong muốn là bố mẹ dằn vặt, mắng mỏ con.

Mẹ con dặn, tan học ra, con phải về nhà ngay giúp mẹ. Nhưng, có lúc con quên, mải vui với bạn về muộn. Về tới nhà thể nào con cũng bị mẹ mắng té tát. Mẹ con sẽ khóc lóc, kêu rằng con vô ơn, con bất hiếu, con không thương mẹ. Lẽ ra thấy mẹ vất vả, phải lăn vào giúp mẹ, phải làm cho bố mẹ nở mày nở mặt. Đằng này, mẹ bỏ công nuôi con, nhưng con càng lớn càng vừa lười, vừa dốt vừa vô tích sự.

Lúc đầu, nghe mẹ mắng thế, con ân hận lắm. Nhưng, con dần nhận ra, hình như con làm bất cứ cái gì cũng không khiến mẹ hài lòng. Cuộc sống khó khăn khiến bố mẹ con trở nên khắc nghiệt hơn thì phải. Hơi một tý là mẹ kể lể nuôi con vất vả, rằng công lao của bố mẹ to bằng trời biển. Rồi mẹ so sánh nhà khác có phúc, nuôi được con ngoan. Còn con thì hư đốn. Mẹ còn bảo không có con, không vì nuôi con thì bố mẹ có thể sống khỏe bằng tiền lương hàng tháng. Nhiều hôm, mẹ mắng con giữa bữa cơm khiến con nuốt không trôi. Cục cơm nghẹn cứng trong cố họng. Con thấy mình giống với kẻ ngáng chân bố mẹ, rằng có lẽ vì con mà bố mẹ khổ. Nghe mẹ nói, con im lặng thì mẹ bảo con ương bướng, lì lợm.

Con hiểu và biết ơn bố mẹ lắm. Nhưng, không có nghĩa là lúc nào con cũng phải thể hiện điều đó ra ngoài. Bố mẹ càng kể lể công lao, thì càng làm con chìm sâu trong mặc cảm và không thể thoát ra khỏi cái bóng của bố mẹ được. Con có cách yêu bố mẹ riêng. Ở lớp con, nhiều bạn mới nhỏ thế đã có hành vi ăn trộm tiền của bố mẹ. Còn con, dù đói, dù khát, dù thèm lắm một lần được đi theo các bạn, mua một chiếc kẹo mút bán ở cổng trường cũng chưa bao giờ dám lấy trộm một đồng của bố mẹ. Bởi, con biết, bố mẹ vất vả lắm mới làm ra từng đó. Có những lần, con đi nhặt rau cho ốc, đang nhặt thì gặp bạn đi chơi ngang qua. Bạn nhìn con trân trân làm con muôn độn thổ. Nhưng, rồi con nghĩ mình làm việc chân chính nên con đã lấy lại bình tĩnh. Điều này, con chưa bao giờ dám kể cho bố mẹ nghe, con sợ làm bố mẹ suy nghĩ. Không thương bố mẹ, sao con làm vậy...

N vừa kể, những giọt nước mắt cứ chảy dài trên gương mặt trong sáng của em. Kết thúc câu chuyện, N buồn buồn bảo: Con ghét con giống bố mẹ. Nếu con không phải là con bố mẹ, con không có gì liên quan đến bố mẹ con sẽ không phải làm kẻ chịu ơn nhiều như thế. Mai này, con ở riêng để bố mẹ khỏi nhìn thấy con, còn con khỏi phải nghe lời dạy biết ơn của bố mẹ.

Câu chuyện của M - cũng là một khách hàng nhí của tôi lại khác. Lần đó, tôi đang làm ở văn phòng tư vấn tâm lý học đường tại một trường THCS. Do hay quậy phá nên cô giáo chủ nhiệm đã gửi M xuống gặp tôi, nhờ tôi tìm hiểu và tư vấn để đưa M "trở lại quỹ đạo". Cũng phải qua mấy lần tiếp xúc thì M mới dốc bầu tâm sự với tôi. Chuyện của M không quá "bi đát". M là con cả, dưới M còn có một em trai 3 tuổi. M bảo: Con không yêu em. Nhiều lúc con muốn em chết đi để mọi việc đỡ rắc rối".

Hóa ra sự ấm ức của M bắt đầu từ ngày em trai M ra đời. Sự lo lắng, quan tâm của bố mẹ dành cho em trai em có phần nhiều hơn. Ngày trước, nghe mọi người trêu, nếu có em, M sắp bị ra rìa, em chỉ cười. Sau M bắt đầu xâu chuỗi sự kiện và tự hỏi: Lẽ nào mình bị... ra rìa thật.

"Bố mẹ lúc nào cũng chỉ bênh em. Bà ngoại tặng con một con búp bê nhân dịp sinh nhật. Con đang chơi thì em bé nhảy vào, đòi chơi cùng. Biết tính em chỉ thích phá phách nên con la lớn, chạy ra ngoài. Thế là mẹ từ đâu chạy lại, giật con búp bê trong tay con, đưa cho em trai. Bố thì bảo: Con để em chơi cùng. Em mình mà sao không thương. Chỉ vài phút, con búp bê của con bị em vặt đứt tay, đứt đầu. Con xót xa òa khóc thì mẹ bảo: "úi giời, mai mẹ mua cho đầy. Hy sinh vì em có sao đâu. Con này đúng là ích kỷ". Cứ thế, từ khi em trai M chào đời, M không còn thế giới riêng. Căn phòng của em luôn phải mở cửa đón em trai bất cứ lúc nào. Mọi đồ đạc của M, kể cả những thứ thuộc quyền em sở hữu M cũng không được định đoạt. Dần dà, M cảm thấy ghét em.

Con bị ốm thì mẹ chỉ hỏi han qua loa. Nhưng em ốm thì mẹ chăm bẵm. Lúc nào mẹ cũng nói em còn nhỏ nên phải được quan tâm nhiều hơn. Con làm vỡ đồ thì bố đánh. Em làm vỡ đồ thì bố mẹ tha". Con làm sai thì phải xin lỗi em nhưng em có lỗi với con thì mẹ nói: Em còn bé đã biết gì đâu mà xin lỗi. Con lớn rồi còn tị nạnh. Con đánh em thì bị mẹ phạt, em đánh con thì vẫn được mẹ yêu.

Từ chỗ cảm thấy bị ra rìa, bị bỏ rơi, M nghĩ cách gây sự chú ý bằng việc gây gổ, phá phách. Lúc đầu bố mẹ cũng có để tâm đến M thật, nhưng lâu dần, bố mẹ bắt đầu nổi cáu. Bố M tức M ra mặt và còn bảo M "hỏng toàn bộ", càng lớn càng lý. Mẹ M thì càng tỏ ra yêu em hơn. Mẹ lại so sánh rằng em thì ngoan còn M thì hư. Cuối cùng, chán đời, M càng ngổ ngáo, gây sự ở lớp để tự tìm lại công bằng cho mình. Người lớn bắt nạt con thì con phải đi bắt nạt người khắc. Chẳng lẽ con phải im, con phải trở thành cái bia để ai muốn bắn thế nào thì bắn", M kể, giọng buồn buồn.

Sau này, tôi đã tìm gặp bố mẹ M và trao đổi với họ về tình hình của con gái. Nghe tôi nói, bố mẹ M rất ngạc nhiên vì nghĩ rằng mình vẫn yêu cả hai con. Họ quan tâm đến con út chẳng qua vì con còn quá nhỏ. Còn M đã lớn, đã tự lo được cho bản thân rồi.

 

Thế đấy, sinh con và nuôi con là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không phải cứ sinh con ra là chúng ta nghiễm nhiên trở thành ông bố bà mẹ đúng nghĩa. Nhiều ông bố bà mẹ cứ nghĩ là họ đang yêu con, họ làm việc vất vả cũng là vì yêu con đấy thôi. Nhưng, thực tế đâu phải vậy.

"Khi có chuyện buồn, con thường tự giải quyết một mình hoặc tâm sự với bạn. Con thấy nói với bạn còn dễ hơn nói với bố mẹ. Bố mẹ không hiểu con, khi con nói thì bố mẹ lại chỉ cười phá lên và bảo đúng là chuyện vớ vẩn, trẻ con linh tinh".

"Bố mẹ không có thời gian cho con. Bố mẹ chỉ biết áp đặt suy nghĩ của mình vào con. Cái gì bố mẹ cho là đúng thì là đúng, sai là sai, con không được cãi nửa lời. Con phải học theo cách của bố mẹ, ăn những gì bố mẹ bảo bổ ngay cả khi con không muốn ăn".

"Bố mẹ chỉ biết mắng con, kêu con là vô dụng. Thực ra, con cũng có lòng tự trọng của con chứ. Bố mẹ đừng nghĩ con đang phụ thuộc vào mình thì muốn nói sao, mắng sao cũng được".

Đó là những lời tâm sự của các em nhỏ gửi tới văn phòng tư vấn tâm lý của chúng tôi. Là cha mẹ, chắc không ai không mong muốn gần gũi với con, làm bạn của con... Vậy thì, hãy sửa đổi ngay những gì chúng ta đang mắc phải trong cách ứng xử với các con nhé.