Bố mẹ "đẩy" con trai vào con đường trộm cắp, nghiện ngập

ANTĐ - Lúc thì vay tiền ông chú, khi thì cầm tiền mua giúp đồ bà dì, hay cầm tài sản có giá trị của người này người kia hứa bán với giá cao. Tất nhiên được tiền anh bùng tất, dù cho đó là của bố mẹ vợ anh cũng chẳng tha. Thậm chí mượn được máy tính của thằng bé sinh viên hàng xóm anh cũng tháo ổ cứng đem đi bán... Tóm lại là anh không tha ai hết!!

Khi quyết định gõ những dòng thư này gửi tới các anh chị, tôi chủ đích muốn kể câu chuyện cuộc đời của hai anh em chúng tôi. Mail này tôi xin trình bày câu chuyện của anh trai tôi trước, chuyện của bản thân tôi xin hẹn trong một e-mail khác. 

Tôi đã đọc rất nhiều những câu chuyện khó tin có thật, từ báo của các anh chị, từ sách vở, từ internet hay nghe người đời kể lại. Trong mỗi câu chuyện nhuốm màu bi kịch, tôi đều thấy người ta thốt lên hai từ: số phận. Vấn đề ở đây là con người ta không bao giờ được lựa chọn hoàn cảnh mình được sinh ra và nuôi dưỡng. Cho nên đối mặt với nghiệt ngã trong cuộc sống, họ chỉ còn biết đổ tại số.

Anh em tôi cũng là hai trong số những người đó. Hai anh em tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, bố mẹ thuộc thành phần "cơ bản". Không giàu có nhưng xét ra thì hoàn toàn đủ khả năng để lo cho chúng tôi không thua kém bạn bè.

Nền tảng triết lý giáo dục của gia đình tôi thì "đơn giản" lắm. Quan điểm đầu tiên là "trọng nam khinh nữ". Đây là tư tưởng thâm căn cố đế trong họ tộc cả đôi bên rồi, nên đến gia đình tôi, nó cũng được mặc định như một thứ gia quy vậy. Điều thứ 2 mà chúng tôi ngày nào cũng được nghe ra rả bên tai, không phải là tình cảm hay đạo đức gì sất, mà là "sức mạnh của đồng tiền"! Hai thứ đó đã tồn tại trong căn nhà nhỏ bé của chúng tôi, đi theo chúng tôi suốt thời thơ ấu như bóng ma dai dẳng, cho tới tận bây giờ vẫn chưa buông tha.

Anh trai tôi là con trai duy nhất trong nhà, và là cháu đích tôn của ông bà nội!

Tôi nghĩ anh ý thức được điều này rất rõ và từ khi anh còn rất bé, để từ đó anh luôn luôn tận dụng triệt để vị trí của mình. Mẹ tôi đi chợ về, có miếng nào ngon cũng dành cho con trai trước, những người khác sau. Suốt thời lẫm chẫm tập đi, tôi chỉ có duy nhất một tấm hình chụp riêng trong khi ảnh của anh tôi thì đầy cả album gia đình.

Sau này khi tôi thắc mắc, mẹ có giải thích cho tôi một lần rằng: con trai mới cần chứ con gái thì cần gì chụp hình nhiều cho tốn tiền! Tất cả các thứ đồ chơi trẻ con trong nhà đều thuộc quyền sở hữu của anh tôi, chỉ khi nào anh quăng đi thứ gì đó, thì nó mới được "sang tên" qua đứa em gái. Mà thật lạ, như một điều tất nhiên không cần lý giải, tôi từ khi còn bé xíu cũng ý thức rất rõ "thân phận" của mình.

Không bao giờ tôi tranh giành thứ gì từ anh trai, đồ đạc của anh tôi không đụng vào, kể cả những thứ đồ chơi "second hand" kia. Trong tiềm thức của mình, tôi nhớ suốt thời thơ ấu tôi không có lấy một món đồ chơi nào mẹ mua cho!

Tuy chiều con trai nhưng mẹ tôi có tính rất chặt chẽ trong chuyện tiền nong. Mặt khác mẹ cũng không ngừng cho anh biết rằng bao nhiêu tiền của trong nhà sau này rồi cũng thuộc về anh hết. "Bố mẹ tằn tiện cũng chỉ để dành cho con, chết có mang đi được đâu, em gái thì sau này lấy chồng cũng như bát nước đổ đi thôi".

Càng lớn, anh tôi càng thể hiện năng lực "phá gia" của mình. Có điều cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao người lớn có thể coi đó là biểu hiện của một đứa trẻ thông minh nhanh nhẹn. Đứa em gái như tôi - lúc nào cũng nhường nhịn và không bao giờ tơ hào của mẹ tôi một xu - thì bị mang tiếng trong gia đình và họ hàng là ngu dốt, sau này ra xã hội dễ bị bắt nạt!? Tình cảnh anh em tôi lúc bấy giờ được mẹ tôi minh họa là "thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm"!

Sự thông minh của anh tôi được thể hiện từ rất sớm. Cụ thể hóa bằng tài ăn cắp vặt. Đầu tiên chỉ là mấy ngàn đồng của em gái (mà ngày xưa mấy ngàn đồng đối với một đứa trẻ thì không hề nhỏ). Chả là từ lúc bắt đầu đi học tôi luôn luôn được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lớp, thường xuyên thu và giữ tiền quỹ. Một ngày khi phát hiện ra mình mất tiền, tôi mếu máo khóc với mẹ. Dư sức biết thủ phạm là ai, nhưng tất cả những gì mẹ tôi làm là mắng tôi ngu không biết giữ tiền, mất thì... cho chết. Bố tôi thương con chỉ biết lén lút lấy tiền riêng dúi cho tôi để đền cho lớp.

Từ sau đó, tôi chẳng bao giờ mang tiền quỹ về nhà. Anh tôi thì bắt đầu để ý tới tiền đi chợ của mẹ. Mẹ tôi phát hiện ra cứ ít ngày lại bị rút mất vài tờ 5 ngàn, bèn có phương pháp quản lý chặt hơn. Đồng tiền lẻ của mẹ lúc nào cũng đi liền khúc ruột. Tiền đi chợ về còn nhiều hoặc tiền thu được từ bán hàng lặt vặt, mẹ tôi cất vào trong tủ, khóa kỹ.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tay nghề của anh tôi ngày càng lên đời, với khả năng bẻ khóa mỗi ngày một công phu! (sau này trong nhà hễ có cái khóa nào bị mất chìa thì chỉ cần đem cho anh tôi xử lý một loáng là xong!). Anh tôi còn sáng tạo, sang nhà ông bà nội chôm chỉa dây đồng, xoong nồi đem đi bán. Tôi phát giác ra nói với mẹ, lập tức bản thân bị ăn no đòn, do mẹ muốn giấu vì sợ mang tiếng với ông bà nội là không dạy được con.

Cấp 3, anh tôi đã biết trèo vào nhà chú, cạy tủ lấy trộm tiền (dĩ nhiên không ai bắt được quả tang, nhưng vì bị tra hỏi riết nên anh mới khai ra). Mỗi lần như vậy anh tôi cũng bị phạt bằng đòn roi, nhưng đáng nói nhất là hình thức viết bản kiểm điểm. Sau này có lần bố tôi nói vui, số bản kiểm điểm mà anh viết từ khi còn bé cho đến ngoài 30 tuổi có thể chất từ sàn lên tới nóc nhà tôi ấy, vì có tuần nào, tháng nào mà anh không phá phách ở trường hay ở phố, ở nhà đâu? Không hiểu sao bố mẹ tôi vẫn nói với nhau một cách an ủi (hay tự hào) rằng, con nhà mình hư gì thì hư cũng vẫn chưa dính vào ma túy như con mấy ông mấy bà hàng phố quanh đó!!

Lên đại học, anh tôi vẫn giữ nguyên nếp nghĩ về cách tiêu đồng tiền không phải do mình làm ra nhưng đương nhiên là của mình. Chật vật hai năm mới vào được đại học, anh tôi đòi bố mẹ sắm sanh cho bằng được cái xe máy đi học trong khi chúng bạn phần nhiều lọc cọc xe đạp. Anh luôn tìm mọi cách đẽo thêm tiền bố mẹ ngoài khoản được chu cấp cố định hàng tháng với đầy đủ mọi lý do (hợp lý có, vô lý có...).

Dư biết con trai mình nói dối, bố me tôi có phàn nàn song đều đáp ứng mọi yêu sách của anh. Ngoài ra, cứ một vài tháng, anh tôi lại làm một số... "quả" đình đám như cắm xe máy, lô đề nợ tiền hay vay tiền của đám giang hồ, để bố mẹ tôi khăn gói quả mướp lên "chữa cháy" cho anh! Mãi rồi cũng tới ngày anh ra trường. Mẹ nhanh chóng thúc giục anh lấy vợ, với hy vọng có gia đình anh tôi sẽ trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn, mặt khác mẹ tôi cũng mong có nơi để mẹ trút đi cái gánh nặng này.

Nhưng hỡi ôi, đứa bé trong anh tôi đâu có chịu lớn lên. Khi làm ra tiền thì sẵn thói ăn chơi, anh vung cho bằng hết mà vợ con có được đồng nào. Nhưng cũng chẳng được mấy khi vì anh vốn không thích lao động, nên phần lớn thời gian anh tôi vẫn là kẻ không nghề ngỗng, suốt ngày lông bông cặp với đám bạn xấu.

Có thêm nhà ngoại cũng như thêm chỗ dựa, chỉ trong một thời gian ngắn, anh "phủ sóng" hết bên nhà vợ những phi vụ đình đám phục vụ cho thói ăn chơi tiêu tiền. Lúc thì vay tiền ông chú, khi thì cầm tiền mua giúp đồ bà dì, hay cầm tài sản có giá trị của người này người kia hứa bán với giá cao. Tất nhiên được tiền anh bùng tất, dù cho đó là của bố mẹ vợ anh cũng chẳng tha. Thậm chí mượn được máy tính của thằng bé sinh viên hàng xóm anh cũng tháo ổ cứng đem đi bán... Tóm lại là anh không tha ai hết!!

Đi sau dọn dẹp chiến trường cho anh dĩ nhiên vẫn có bố mẹ tôi, và nay thêm chị dâu. Có lúc số tiền bố mẹ tôi nghiến răng trả lên tới hơn trăm triệu một lần. Ngoài ra, anh có thể cầm cố bất cứ thứ gì cầm được với số lần mà chẳng ai nhớ nổi: nào xe máy của anh, xe máy của bố, bằng đại học, bằng lái ôtô, laptop của chị dâu... Sau mỗi sự vụ ấy, điều duy nhất anh tôi phải làm vẫn (chỉ) là... viết bản kiểm điểm. Tôi nghĩ tờ giấy ấy chắc có một thứ ma lực gì đó mà khiến bố mẹ tôi cầm được trong tay là lại hoàn toàn yên tâm về quý tử. Chắc từ bé tới lớn anh đã quá quen với hình thức chạy tội hết sức đơn giản và nhẹ nhàng như vậy nên anh vẫn tiếp tục "phạm tội", không dừng lại.

Ảnh minh họa

Cách đây 3 năm (lúc này tôi đã thoát ly khỏi gia đình, làm việc ở một nơi rất xa), khi tôi về thăm nhà thì tôi và chị dâu phát hiện ở anh có những biểu hiện của người nghiện ma túy. Mẹ tôi không hiểu sao vẫn cứ tin vào bản lĩnh của con trai mình mà bênh anh chằm chặp. Bẵng đi một thời gian sau, nhà tôi như có "bão" khi phát hiện anh nghiện với vật chứng bị bắt quả tang đàng hoàng. Vậy là anh tôi dù mồm mép thế nào cũng không chối cãi được. Bố mẹ tôi cách ly anh khỏi chúng bạn, bắt ở trong nhà sử dụng biện pháp tự cai.

Bẵng đi một quãng thời gian hết sức vất vả và đen tối đối với gia đình tôi, anh tôi đã thuyết phục được cả nhà rằng anh hoàn toàn đoạn tuyệt với nàng tiên nâu. Bố mẹ tôi vui mừng, quay ra đầu tư cho anh xe máy đắt tiền, chu cấp tiền xăng xe đi lại (sinh hoạt phí thì đương nhiên vì mấy năm trời bố mẹ tôi nuôi anh không công ăn việc làm). Nhưng ông bà không ngờ rằng mình vẫn tiếp túc bị "xoay", bởi lời nói dối của ông con quý tử. Chỉ đến khi anh tôi bị bắt và tạm giữ để điều tra về tôi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thì bố mẹ tôi mới ngã ngửa ra.

Giờ đây anh tôi đang chờ ngày ra tòa xét xử. Mẹ tôi khóc lóc vật vã. Tôi rơi lệ mà ngậm ngùi cho cuộc đời của anh. Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi tự an ủi mình: biết đâu đấy, ngã rẽ này sẽ giúp anh tôi lựa chọn lại cuộc sống mà suốt bao năm qua anh không (hay không được) lựa chọn.

Trần Thu Dung (nhân viên kế toán, Bà Rịa - Vũng Tàu):

Chào bạn, tôi cũng có một hoàn cảnh tương tự như vậy, nhưng tôi không may là anh trai tôi đã bị tử hình. Cuộc sống gia đình tôi lúc trước rất khốn khổ. Nhưng nay, nói thì thật không phải đạo, nhưng khi anh không còn là một kẻ nghiện ngập rình mò lấy trộm đồ của người thân, thì cả gia đình tôi mới được ngủ ngon. Hy vọng anh của bạn sẽ sớm tỉnh ngộ để hoàn lương.

Nguyễn Thị Ngọc Mai (nhân viên tiếp thị, TPHCM):

Tôi không tin một người nghiện có khả năng cai và tái hòa nhập, vì ba tôi đã làm tan nát gia đình tôi không biết bao nhiêu lần vì ma túy. Cho đến khi ông chết, ông còn để lại một khoản nợ kếch xù má con tôi phải trả, đến mức tôi phải đi tiếp thị bia phụ má nuôi em. Từ một căn biệt thự đến giờ má con tôi phải đi mướn nhà trọ để ở, trốn chạy những chủ nợ độc ác thuê xã hội đen đến dọa giết. Tôi không biết khuyên bạn sao, chỉ kể bạn nghe chuyện nhà mình, rồi bạn tự quyết định vậy nha...